Chảy theo dòng sông ấy

Chảy theo dòng sông ấy, qua rất nhiều vùng đất để về đến thành phố. Vứt rác xuống dòng sông ấy, khác nào chúng ta tự vứt rác vào nguồn nước ăn của mình.

Chảy theo dòng sông ấy, về đến thành phố để trở thành nguồn nước sinh hoạt cho hàng mấy triệu dân.

Đến hồ Hòa Bình, ấn tượng đầu tiên là chưa phát triển, nên vẫn còn hoang sơ lắm. Từ trên nhìn xuống chỉ thấy núi và nước, thấp thoáng vài khu nghỉ dưỡng nhỏ bé trên mấy hòn đảo, lọt thỏm giữa cây và núi.

Không khí thì sạch, nước trong veo, ăn uống cũng được, nhưng điều kiện nghỉ ngơi thì rất kém. Cũng là khép kín đấy, nhưng mà bẩn. Đang mải ngắm cảnh nước non, cây cối thì mắt lại gặp phải mấy cái nhà vệ sinh bẩn bẩn. Đang sung sướng hít thở không khí trong lành, lại ngửi phải cái mùi nhà vệ sinh, mất hết cả hứng thú.

Lúc đầu tôi cứ tự hỏi, tại sao một vùng nước non đẹp đến thế này mà không đầu tư phát triển du lịch thì quả là phí quá. Nhưng khi nghe bác lái tàu chỉ dòng nước xanh trong và bảo, nửa số dân Hà Nội ăn nước này đấy. Tự dưng thấy phải giữ gìn, phải có trách nhiệm với nguồn nước này. Thậm chí còn muốn khóa cửa, đặt biển cấm vào vùng lòng hồ.

Và lúc ở bến tàu, thấy váng dầu từ những tàu đỗ quanh đấy nổi trên mặt nước, thấy xót hết cả ruột, chỉ muốn giữ khư khư như giữ gìn bể nước ăn nhà mình vậy.

Thế nên cứ nghĩ, nếu càng nhiều người đến đây, càng nhiều tàu đi lại, chắc chắn lượng rác thải ra nhiều… càng khó giữ vệ sinh cho hồ nước.

Chả thế mà ở Pleiku, Biển Hồ đẹp thế nhưng vì là nguồn nước ăn của thành phố nên người ta cấm tắm, cấm bơi ở đây. Dù thỉnh thoảng vẫn thấy có những người tới đây câu cá trộm rồi quay ra tắm trộm luôn.

Nhưng nếu không có quy hoạch, quản lý tốt, cứ để như hiện nay thì cũng không ổn. Bởi tư nhân làm tự phát, phòng ở không sạch là một chuyện, còn xử lý nguồn chất thải ấy như thế nào hay cứ tống thẳng xuống lòng hồ, lại càng nguy hại.

Vắng như thế này, mà ven đảo đã thấy có những chỗ rác nổi lềnh bềnh, những chai nhựa, túi nilon, vỏ gói bim bim mà du khách vứt xuống tụ lại thành đám.

Đúng là có nhìn tận mắt, chạm tận tay thì mới biết lo. Chứ cứ vặn vòi nước, có nước sạch chảy ra lại tưởng nghiễm nhiên là có nước sạch đấy cho ta dùng. Mà không biết rằng, dòng nước ấy từ đâu ra.

Hóa ra chính từ lòng hồ này, chảy theo dòng sông ấy, qua rất nhiều vùng đất để về đến thành phố. Vứt rác xuống lòng hồ này, xuống dòng sông ấy, khác nào chúng ta tự vứt rác vào nguồn nước ăn của mình.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top