Châu Văn Tiếp- vì chúa liều mình – kỳ 2: Chết giữa trận tiền

Chết giữa trận tiền,

Đình thờ Châu Văn Tiếp.

Sang Xiêm cầu viện

Năm Tân Sửu (1781), Châu Văn Tiếp liên kết với hai đạo quân khác để đánh Bình Khang. Nhưng đạo quân của Châu Văn Tiếp chưa kéo binh ra khỏi hậu cứ Phú Yên đã bị Trấn thủ nơi này là Nguyễn Văn Lộc đánh cho tan tác, khiến ông lại phải trốn vào núi Tà Lương.

Đạo quân do Tôn Thất Dụ từ Bình Thuận tiến ra, bị Trấn thủ Lê Văn Hưng đem tượng binh trấn áp làm cho tan vỡ. Đạo thủy quân của Tống Phước Thiêm thì không thể xuất phát được, vì quân Đông Sơn đang khởi loạn ở Gia Định, do chủ tướng của họ là Đỗ Thanh Nhơn vừa bị Nguyễn Phúc Ánh mưu hại (1781).

Nhân cơ hội nội bộ nhà Nguyễn đang rạn nứt, tháng 3 năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc mang quân thủy bộ tiến vào Nam. Hai bên đụng độ dữ dội ở khu vực sông Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang) nơi cửa Cần Giờ.

Cuối cùng, Nguyễn Phúc Ánh lại phải bỏ chạy ra đảo Phú Quốc, thuộc Kiên Giang. Một lần nữa, đạo quân Lương Sơn của Châu Văn Tiếp vào tiếp cứu.

Khi ấy, Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đã rút quân về, nên quân Lương Sơn đánh đuổi được tướng Tây Sơn là Đỗ Nhàn Trập, lấy lại Sài Gòn. Nhờ đại công này, Châu Văn Tiếp được phong Ngoại tả Chưởng dinh.
Tháng 2 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Nhạc lại sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Lê Văn Hưng, Trương Văn Đa mang quân vào Nam. Châu Văn Tiếp dùng hỏa công nhưng bị trở gió nên thua trận.

Chúa Nguyễn phải chạy xuống Ba Giồng (Định Tường), còn Châu Văn Tiếp phải men theo đường núi qua Cao Miên rồi qua Xiêm cầu viện.

Chết giữa trận tiền

Nước Xiêm lúc bấy giờ ở dưới triều vua Chất Tri, đương lúc thịnh vượng và đang nuôi tham vọng “nuốt” Cao Miên và Gia Định để mở rộng cõi bờ. Cho nên khi nghe Châu Văn Tiếp, một bề tôi thân tín của chúa Nguyễn, đến cầu cứu vua Xiêm liền đồng ý.

Được hứa hẹn, Châu Văn Tiếp gửi ngay mật thư báo tin cho Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi hội đàm với tướng Xiêm tên là Thát Xỉ Đa tại Cà Mau, vào tháng Hai năm Giáp Thìn (1784), chúa Nguyễn sang Vọng Các hội kiến với vua Xiêm.

Được tiếp đãi và giúp đỡ, chúa Nguyễn tổ chức lại lực lượng gồm các quân tướng đi theo và nhóm người Việt lưu vong tại Xiêm, cả thảy trên dưới nghìn người, cử Châu Văn Tiếp làm Bình Tây đại đô đốc, Mạc Tử Sanh (con Mạc Thiên Tứ) làm Tham tướng, để dẫn quân Xiêm về nước đánh nhau với quân Tây Sơn…
Tháng 7 năm ấy vua Xiêm La sai hai người cháu, cũng là hai viên tướng cao cấp là Chiêu Tăng và Chiêu Sương, đem hai vạn quân thủy cùng 300 chiến thuyền vượt vịnh Xiêm La, qua ngả Kiên Giang, sang giúp.

Ngoài ra, còn có đạo bộ binh gồm khoảng ba vạn quân, do các tướng Lục Côn, Sa Uyển, Chiêu Thùy Biện (một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm) chỉ huy, băng qua đất Chân Lạp, rồi tràn vào nước Việt qua ngả An Giang…
Ngày 13 tháng 10 cùng năm (tức 25 tháng 11 năm 1784), Châu Văn Tiếp giáp chiến với quân Tây Sơn. Châu Văn Tiếp dẫn thủy binh tiến đánh quân Tây Sơn ở sông Măng Thít (địa phận Long Hồ, nay là Vĩnh Long) Chưởng Cơ Bảo (Chưởng Tiền Bảo) ra sức chống cự.

Châu Văn Tiếp nóng lòng muốn thắng liền nhảy lên thuyền địch định chém, nhưng rủi thay lại bị quân Tây Sơn đâm trúng trọng thương, ngã xuống sông.

Quân chúa Nguyễn lập tức nhảy xuống vớt Tiếp lên; thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh) phất cờ ra lệnh cho quân đánh gấp, chém được Chưởng Cơ Bảo, nhưng mệnh của Tiếp cũng không cứu được. Tiếp bị thương nặng than rằng: “Trời chưa muốn ta dẹp Tây Sơn hay sao, nên dứt mạng ta”. Nói xong thì chết, hưởng dương 46 tuổi.
Nhận được tin, Nguyễn Vương tỏ lời thương tiếc mà than rằng: “Trong vòng mười năm lại đây, Tiếp với ta cùng chung hoạn nạn. Nay giữa đường Tiếp bỏ ta mà đi, chưa biết ai có thể thay ta nắm giữ việc quân ?…

(còn nữa)

Nguyễn Thành Trung

Theo Đời sống
back to top