Châu Văn Tiếp- vì chúa liều mình

Châu Văn Tiếp – vì chúa liều mình, được người đời xưng tụng là một trong “Tam hùng Gia Định”, là ba người hùng của đất Đồng Nai, dân gian còn gọi là “ba cọp gấm” của đạo binh Bến Nghé.

Mộ Châu Văn Tiếp.

Mưu nghiệp lớn

Châu Văn Tiếp hay Chu Văn Tiếp (1738 – 1784), tên tộc là Châu Doãn Ngạnh, ông vốn là người gốc Bình Định; sinh quán tại huyện Phù Mỹ, sau dời về thôn Vân Hòa, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Gia đình ông chuyên nghề buôn bán (chủ yếu là buôn ngựa), nhưng có học hành.

Châu Văn Tiếp có người anh cả là Châu Doãn Chữ, hai em là Châu Doãn Chấn, Châu Doãn Húc, tất thảy họ đều làm tướng. Châu Văn Tiếp còn có người em gái là Châu Thị Đậu, được người đời biết đến là Châu Muội Nương, có chồng là tướng Lê Văn Quân.

Một dòng thế phiệt trâm anh giữa đời loạn lạc, tiếc rằng, anh em Châu Văn Tiếp sau này, kẻ chết trước, người chết sau và đều không có con thừa tự.

Buổi đầu, Châu Văn Tiếp theo nghề buôn ngựa, có dịp đi đó đây nên thông thạo tiếng Chân Lạp, Xiêm La và nhờ vậy, quen biết khá nhiều người mà sau này đều trở thành vương tướng của nhà Tây Sơn như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú…

Lấy lý do chống lại sự áp bức của quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Nhạc cùng hai em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cất binh khởi nghĩa vào năm 1771.

Biết tài Châu Văn Tiếp, Nguyễn Nhạc cho người đến mời tham gia, nhưng ông khéo từ chối. Để tạo cho mình một thế đứng trong việc mưu nghiệp lớn, bốn anh em Châu Văn Tiếp chiêu tập dân quân đến chiếm giữ núi Tà Lương thuộc Phú Yên.

Nguyễn Nhạc cử người đến mời lần nữa. Châu Văn Tiếp bày tỏ chính kiến của mình là không muốn thay ngôi chúa Nguyễn, mà chỉ muốn tôn phù hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, muốn diệt trừ những tham quan, những quyền thần và Nguyễn Nhạc đã đồng ý.

Hứa hẹn vậy, nhưng khi kéo binh đến Quy Nhơn thì Châu Văn Tiếp mới hay, Nguyễn Nhạc đã bội ước. Ông liền rút quân về núi cũ, dựng cờ khởi nghĩa, đề lên bốn chữ: Lương Sơn tá quốc (quân giỏi ở núi rừng lo giúp nước), để đối đầu với quân Tây Sơn.

Quy thuận chúa Nguyễn

Khi ấy, lưu thủ dinh Long Hồ là Tống Phước Hiệp (?-1776) đang đóng quân ở Vân Phong (nay thuộc Khánh Hòa), khuyên ông nên qui thuận chúa Nguyễn và ông đã nghe theo.

Tháng 3 năm Đinh Dậu (1777), quân Tây Sơn vào đánh Gia Định, Tống Phước Hiệp lui về tiếp cứu, giao ông giữ Phú Yên, Bình Thuận.

Tình hình Gia Định càng thêm nguy khổn, ông cùng Đỗ Thanh Nhơn đem quân đi kháng cự, nhưng do đối phương quá mạnh mà Lý Tài và Đỗ Thanh Nhơn lại luôn hiềm khích.

Châu Văn Tiếp buộc phải dẫn bộ hạ về lại núi Tà Lương. Đành để Thái Thượng vương (Nguyễn Phúc Thuần) và Tân Chánh vương (Nguyễn Phúc Dương) bị quân Tây Sơn truy đuổi rồi bị bắt và giết hết.

Sau cuộc đại bại ấy, dòng tộc chúa Nguyễn chỉ còn mỗi chàng trai 17 tuổi Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát, cho nên sau khi Đỗ Thanh Nhơn lấy lại Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh được tướng sĩ rước về tôn làm Đại nguyên súy, Nhiếp quốc chính rồi xưng vương tại Sài Gòn năm Canh Tý (1780).

(còn nữa)

      Nguyễn Thành Trung

Theo Đời sống
Sự thật ít người biết về rắn cườm

Sự thật ít người biết về rắn cườm

Mặc dù không độc, nhưng rắn cườm thường bị nhầm lẫn với rắn lục cườm, một loài rắn thực sự độc hại. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp "chết oan" khi con người lầm tưởng rằng rắn cườm cũng độc.
back to top