ChatGPT có thể như một gia sư riêng cho từng học sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, ChatGPT đem lại thách thức đối với giáo dục, nhưng cùng với đó là những cơ hội, chúng ta không nên quá lo lắng, thay vào đó hãy dùng thử.

ChatGPT cung cấp kiến thức toàn diện cho người học

ChatGPT đang tạo ra làn sóng trong việc ứng dụng, khai thác và hiện đang có những trao đổi rất sôi nổi về lĩnh vực này trên nhiều diễn đàn khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến lo ngại, ChatGPT sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới giáo dục, làm gia tăng “đạo văn”, gian lận thi cử… Bộ GD&ĐT cần có những quy định kịp thời trước sự ra đời của công nghệ này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi với PV về ChatGPT. Ảnh: Mai Loan.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, ChatGPI nói riêng và công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung sẽ tác động rất mạnh mẽ tới các ngành nghề, trong đó, có lẽ, giáo dục sẽ là lĩnh vực được tác động mạnh nhất.

Chắc chắn, trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT sẽ tạo ra những sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng sẽ có những tác động tiêu cực nếu chúng ta không hiểu rõ và không có những chính sách để hạn chế những tác động đó.

Một trong những điểm tích cực mà ChatGPT đem lại, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đó là nguồn học liệu. Từ trước đến nay, nguồn học liệu đã có rất nhiều trên không gian mạng. Nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến, những tài liệu đó không được cung cấp ở dạng thô mà ở dưới dạng thông tin, kiến thức đã được chắt lọc, tổng hợp. Điều đó quan trọng, và chắc chắn giúp ích rát nhiều đối với người học và người thầy.

Theo đó, người học sẽ mất ít thời gian tìm kiếm nguồn tri thức chứ không chỉ là thông tin. Người thầy qua đó có thể sử dụng những trợ giúp giống như trợ lý, trợ giảng của mình để xây dựng những bài giảng, những tài liệu để làm sao tiếp cận tốt hơn đối với người học. Như vậy, quá trình dạy học sẽ diễn ra hiệu quả hơn. Và thực sự, chúng ta sẽ muốn nâng cao năng suất, chất lượng của quá trình dạy học.

Và quan trọng nhất, AI cũng như ChatGPT đã thông minh, cá thể hóa quá trình học tập. Trước kia, một giáo viên có thể giảng dạy ở trên lớp, ngoài ra có thể có những hướng dẫn riêng cho từng học sinh, sinh viên.

“Nhưng ngày nay, những công cụ này giống như một gia sư riêng hay người thầy riêng cho từng học sinh. Nó có thể không đi sâu được như người thầy, nhưng sẽ cung cấp được cho người học rất nhiều kiến thức toàn diện từ những lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, người học có thể học ở bất cứ lúc nào, trong bất cứ lĩnh vực nào”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, trong lịch sử đã đã nhiều lần xuất hiện những công nghệ mới như sự ra đời của máy tính bỏ túi, máy tính xách tay... Chúng ta cũng chứng kiến sự ra đời của công nghệ dạy học trực tuyến, người thầy luôn làm sao để tìm cách tận dụng tốt được những công cụ này.

Và khi có những công cụ giúp rút ngắn được việc thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường mất rất nhiều thời gian thì người thầy sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn, để làm sao nâng cao được chất lượng, hiệu quả của công tác dạy và học. Đối với người học cũng vậy.

“Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo để có những điều chỉnh hiệu quả và kịp thời trong thời gian tới”, ông Sơn khẳng định.

Sẽ thay đổi, điều chỉnh cách kiểm tra, đánh giá

Về việc làm thế nào để tránh việc “đạo văn” hay gian lận thi cử khi có ChatGPT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, sẽ phải thay đổi, điều chỉnh cách kiểm tra, đánh giá.

“Có rất nhiều cách để thay đổi, điều chỉnh. Chắc chắn các chuyên gia giáo dục sẽ đưa ra rất nhiều giải pháp. Hiện nay chúng ta đã đổi mới phương pháp dạy và học, hướng tới phát triển năng lực người học. Kiểm tra, đánh giá sẽ tập trung vào đánh giá năng lực người học thay vì kiểm tra kiến thức”, ông Sơn nói và cho hay, không phải bây giờ chúng ta mới bắt đầu làm theo cách này, mà đã tiến hành từ lâu.

Ở vai trò quản lý nhà nước Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, kể cả chưa có những hành lang pháp lý đó, thì các trường, đặc biệt là bậc đại học chắc chắn sẽ có những quy định riêng để hạn chế những tác động tiêu cực do ChatGPT đem lại.

Các chính sách đều hướng tới việc làm sao để hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào những công nghệ, công cụ và cuối cùng mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường, đó cũng là những chính sách mà Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh.

“Chúng chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo”, ông Sơn nói.

Theo Đời sống
back to top