Chấn thương khớp vai, những lầm tưởng nguy hại

Chấn thương khớp vai thường bị lầm lẫn với các cơn đau căng cơ do hoạt động sai tư thế. Vì vậy, người bệnh có khuynh hướng bỏ qua những dấu hiệu ban đầu.

Những cơn đau nhẹ, thoáng qua thường không được chú ý đến để rồi qua thời gian, chúng lại gây nên những thương tổn nghiêm trọng. Đặc biệt là những cơn đau ở khớp vai, vốn là vị trí khớp có cường độ vận động nhiều với tầm hoạt động khớp linh hoạt nhất nhưng cũng dễ tổn thương.

Chấn thương nhỏ nhưng hậu quả khó lường

Bệnh nhân N.T.C. 73 tuổi ngụ tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Hai năm trước, ông bị cánh cửa xe ôtô đập vào vai phải. Do không bị xây xát bên ngoài nên ông nghĩ là một chấn thương nhẹ nên chỉ đến trạm y tế địa phương để sơ cứu . Nhưng sau đó, khớp vai của ông cứ đau âm ỉ, cường độ đau nhiều hơn về đêm, đặc biệt là khi vận động.

Chấn thương khớp vai dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau do căng cơ.

Càng ngày, cánh tay trở nên yếu dần, ông không thể tự mình sinh hoạt được như mặc áo hay chải tóc. Lúc này, người nhà đưa bác C. đến khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) và được phát hiện rách lớn gân cơ chóp xoay vai. Kết quả MRI cho thấy phần gân rách bị thoái hóa và tụt sâu vào bên trong điểm bám gân.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi khâu lại gân chóp xoay vai bằng kỹ thuật tịnh tiến điểm bám gân vào trong cho bệnh nhân. Sau bốn tháng tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ, mức độ đau vai của ông đã giảm dần. Hiện tại, ông có thể sinh hoạt, làm vườn và chăn nuôi như trước khi bị chấn thương.

Đừng bỏ qua cơn đau, dù nhẹ

Khớp vai được cấu tạo bởi chỏm xương cánh tay di chuyển đa hướng trên ổ chảo xương cánh tay và được giữ vững xung quanh bằng hệ thống gân cơ chóp xoay, sụn viền, dây chằng. Hệ thống cấu trúc đặc biệt này giúp khớp vai có tầm hoạt động linh động nhất trong cơ thể. Tuy nhiên, chính ưu điểm này cũng làm khớp vai dễ tổn thương hơn các khớp ở vị trí khác.

Chấn thương khớp vai bao gồm gãy xương, trật khớp, rách gân cơ chóp xoay vai. Chấn thương vai thường do vận động quá mức, lặp đi lặp lại nhiều lần, chẳng hạn như bơi lội, chơi quần vợt, cầu lông. Chấn thương cũng có thể xảy ra khi mang vật nặng hoặc tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Đặc biệt, người lớn tuổi gân cơ đã bị thoái hóa, nên ngay cả khi gặp chấn thương nhẹ hoặc chỉ với các vận động vai trong sinh hoạt thường ngày quá mức như xách nước, làm vườn… cũng có thể dẫn đến rách gân.

ThS BS. Nguyễn Phúc Thịnh – Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đại học Y dược TPHCM thăm khám cho người bệnh.

Dù là chấn thương phổ biến nhưng chấn thương khớp vai thường bị lầm lẫn với các cơn đau căng cơ do hoạt động sai tư thế. Vì vậy, người bệnh có khuynh hướng bỏ qua cơn đau này. Đau khớp vai thường có những triệu chứng đặc trưng như đau vai kéo dài, yếu cơ, sưng, lỏng khớp vai hoặc cứng khớp giới hạn tầm vận động.

Để lâu phải thay khớp

ThS.BS Nguyễn Phúc Thịnh – Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đại học Y dược TPHCM cho biết: Trung bình có 10% người bệnh đến khám tại khoa gặp các vấn đề về hệ thống gân cơ, xương khớp vùng vai.

Hiện nay, các phương pháp điều trị chấn thương khớp vai ngày càng hiệu quả và mang tính chất ít xâm lấn với đường mổ nhỏ như nội soi khâu gân cơ chóp xoay, khâu sụn viền, tái tạo dây chằng. Tuỳ thuộc vào từng loại chấn thương khớp vai mà có những phương pháp điều trị tương ứng như dùng thuốc uống, tiêm thuốc vào khoang khớp kết hợp tập vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

Trong giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn do gân cơ bị thoái biến. Đặc biệt các trường hợp rách gân cơ chóp xoay nhưng không được điều trị kịp thời, gân cơ bị tụt vào trong và thoái hóa mỡ, không khâu được gân cơ về vị trí giải phẫu bình thường, lúc này người bệnh cần phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn để thay khớp vai như trường hợp trên.

Chấn thương khớp vai, những lầm tưởng nguy hại ảnh 3

Để tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng dẫn đến phẫu thuật lớn, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh đừng lơ là các triệu chứng đau nhói ở vai. Vì vậy, người bệnh cần nghỉ ngơi sau tư thế gây đau vai. Đặc biệt sau chấn thương vai, người bệnh cần đến bệnh viện khám sớm nếu cơn đau âm ỉ kéo dài, giúp cho quá trình điều trị và phục hồi trở nên dễ dàng hơn. Để hạn chế chấn thương ở vai, chúng ta cần khởi động trước khi vận động mạnh.

An Lâm

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top