Chăm vận động, giữ chế độ ăn uống phù hợp

là điều ông Nguyễn Xuân Phức 72 tuổi ở tập thể Xí nghiệp Cơ khí Thủy lợi số 91 phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội tổng kết, rút ra từ thực tế cuộc sống và làm việc khi được hỏi về bí quyết để sống khỏe.

Nơi nào có công trình của xí nghiệp là ở đó có ông

Ông cười bảo: “Thật mà. Tôi không nói quá đâu nhé. Tuổi đã ngần này rồi còn bịa ra làm gì”. Tôi tin bởi vừa rồi khi đoàn tham quan vào nhà hàng ăn trưa, không phải là thành viên ban tổ chức nhưng ông vẫn nhanh nhẹn tham gia bê thùng bia, thùng nước ngọt…từ ô tô lên sắp xếp vào các mâm mặc dù ông hơn tuổi rất nhiều người.

Tốt nghiệp đại học Thủy Lợi, là kỹ sư cơ khí nhưng ông không nề hà bất cứ công việc gì khi làm việc ở những công trình xây dựng thủy lợi, nhất là ở vùng sâu vùng xa của tổ quốc hay ở nước bạn xa xôi. Ông kể, thời gian Xí nghiệp ông tham gia xây dựng một số công trình thủy lợi ở thành phố Mô-sun, I-rắc là xa nhất, khó khăn gian khổ nhất, nếu không có sức khỏe và tinh thần tốt thì khó mà bám trụ được cho đến khi công trình hoàn thành.

Ông tâm sự: “Trong công việc, điều quan trọng nhất là phải chủ động, sáng tạo cho dù là lao động trí óc hay chân tay. Một khi đã có được hưng phấn làm việc thì sẽ giải phóng được hết năng lượng, tạo ra niềm đam mê và đạt kết quả tốt hơn”.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/cham-van-dong-giu-che-do-an-uong-phu-hop-11.jpg

Ông Phức trong một chuyến tham quan.

Cùng vợ đảm đang mọi việc trong nhà

Được nghỉ hưu từ năm 2005, ông cảm thấy nhớ  những đồng nghiệp, những công trình đã nhiều năm sẻ chia gắn bó, cùng trăn trở cộng tác làm việc bên nhau và đôi lúc thoáng thấy trống trếnh, nhất là một hai năm đầu. Khi các con lập gia đình ra ở riêng cũng là lúc ông tìm thêm được nhiều việc làm mà trước đây vợ con ông cáng đáng từ việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phụ bà cơm nước, đôi khi đi chợ mua thức ăn… đến việc chăm sóc mấy chậu rau thơm, cây cảnh… trên sân thượng.

“Chỉ có hai người mà cũng đến lắm là việc ông ạ, ông cười, không biết ông thế nào chứ tôi mong nhất là hai ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, vợ chồng sắp xếp mỗi người mỗi việc quét dọn lau chùi 3 tầng nhà, đi chợ mua thức ăn theo khẩu vị đăng ký của từng đứa cháu…rồi con cháu cùng quây quần líu ríu chuyện trò, cơm cơm nước nước”.

Đấy là việc nhà, còn việc “hàng tổng” thì ông cũng được hội viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Người cao tuổi (NCT), tổ phó tổ dân phố “giúp việc” cho ông bạn đồng niên làm tổ trưởng đến nay đã được hơn 10 năm. “Những việc tưởng chẳng có gì mà cũng chiếm dụng không ít thời gian, nhất là những đợt tuyên truyền nhắc nhở bà con làm vệ sinh nhà cửa, khu dân cư, phun thuốc chống dịch bệnh, vận động đóng góp ủng hộ xây dựng các quỹ…”, ông chia sẻ.

Hỏi ông lịch trình hàng ngày, ông cho biết, sáng dậy sớm đi bộ tập dưỡng sinh; về nhà ăn sáng với bà xã (không ăn hàng quán); dự sinh hoạt tại câu lạc bộ Thăng Long hoặc họp hành giải quyết công việc của tổ dân phố, NCT nếu có lịch; chiều đi bơi ở trung tâm thể thao Ba Đình…

Ông chia sẻ: “Mỗi người có một suy nghĩ, một cách sống nhưng đều hướng vào cái đích chung là sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Để đạt được đòi hỏi phải kiên trì rèn luyện tạo dựng nếp làm việc, chăm vận động, có chế độ sinh hoạt ăn uống điều độ, hợp lý và đó là bí quyết sống khỏe của ông.

Khúc Văn (Hà Nội)

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top