Chăm sóc mắt khi trẻ học online

Sau một thời gian học online, nhiều trẻ có triệu chứng bị giật mắt, đỏ mắt, khó tập trung,...

Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thành Danh, Khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 2, tập trung vào màn hình điện tử khi học trực tuyến (online) thường khiến mắt của trẻ gặp một số ảnh hưởng nhất định. 

hoc-qua-mang.jpg
Khoảng cách giữa các thiết bị điện tử và trẻ, ánh sáng chưa đủ… có thể gây nên vấn đề về mắt cho trẻ. Ảnh minh họa

Chăm chú nhìn màn hình, trẻ chớp mắt giảm hẳn, chỉ còn 7-8 lần/phút thay vì 15-16 lần/phút gây nên cảm giác khô rát, mỏi mắt. Bên cạnh đó, các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh, có bước sóng nằm sát với tia tử ngoại nên dễ gây nguy cơ giảm và mất thị lực.

Theo BS Danh, để khắc phục tình trạng khô rát, mỏi mắt, phụ huynh nên giúp trẻ áp dụng nguyên tắc 20 - 20 - 20 nhằm giảm nhức mỏi mắt. Nghĩa là, cứ sau mỗi 20 phút nhìn màn hình, cần cho mắt nghỉ ngơi 20 giây bằng cách nhìn xa 20 feet (khoảng 6m).

Để phòng tránh tác hại của ánh sáng xanh, phụ huynh nên sắp xếp cho trẻ thời gian biểu học tập hợp lý, chỉnh chế độ “night light” trên màn hình máy tính. Bên cạnh đó, trẻ có thể sử dụng thiết bị có chức năng lọc ánh sáng xanh.

Khi học trực tuyến, phụ huynh cần đặt thiết bị điện tử sao cho trung tâm màn hình thấp hơn vị trí của mắt khoảng 10cm; không đặt màn hình thẳng đứng nhằm tránh tình trạng phản chiếu ánh sáng.

Học sinh ngồi cách điện thoại di động khoảng 40cm; 60 - 65cm đối với máy tính để bàn, máy tính xách tay. Phụ huynh có thể đo trực quan bằng cách trẻ duỗi thẳng cánh tay, ngón tay chạm màn hình

Cần hạn chế cho trẻ học bằng điện thoại bởi màn hình điện thoại khá nhỏ, tốt nhất nên sử dụng máy tính để bàn (desktop) hoặc máy tính xách tay (laptop).

cham-soc-dinh-duong.jpg
Trẻ cần được cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất hằng ngày để mắt khỏe. 

Góc học tập của trẻ cần riêng tư, yên tĩnh và thoáng mát. Trẻ cần được cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của mắt (nhìn mờ, nheo mắt, nháy mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt…) và của cơ thể (mệt mỏi, kém tập trung, đau đầu, mỏi vai gáy…), phụ huynh nên đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa.

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top