Chăm sóc dinh dưỡng cho người viêm tụy cấp

(khoahocdoisong.vn) - Viêm tụy cấp là tổn thương viêm nhu mô tuyến tụy cấp tính từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong. Ở các nước phương Tây, khoảng 20% bệnh nhân viêm tụy cấp có tiến triển nặng và trong số các ca nặng có 10 - 30% dẫn đến tử vong mặc dù được điều trị tích cực.

Ở Việt Nam, những năm gần đây viêm tụy cấp cũng có xu hướng tăng, về mặt giải phẫu bệnh có 2 thể là viêm tụy phù nề và viêm hoại tử chảy máu. Bên cạnh điều trị nguyên nhân và điều trị bằng thuốc theo phác đồ điều trị bệnh viêm tụy cấp (rất quan trọng ở giai đoạn đầu, nếu là đúng sẽ hạn chế việc làm nặng lên của bệnh, từ viêm tụy cấp thể nhẹ sang viêm tụy cấp thể nặng), dinh dưỡng cũng đặc biệt quan trọng.

Dinh dưỡng trong điều trị bệnh

Nên bắt đầu nuôi dưỡng đường tiêu hóa khi người bệnh giảm đau bụng khoảng 70%, nên lựa chọn đường tiêu hoá ưu tiên so với dinh dưỡng tĩnh mạch. Với thể nhẹ và vừa, nên ăn thử bằng đường miệng, nếu không dung nạp mới đặt sonde. Với thể nặng, đặt sonde dạ dày cho ăn, nếu không dung nạp (đau, trướng bụng, tiêu chảy, nôn, tăng men tuỵ…) cho dùng sonde hỗng tràng nhưng phải đi qua góc TREITZ ít nhất 30 - 60cm. Nếu không dung nạp đường tiêu hoá (bất kể bằng cách nào) có thể thử nghiệm các loại sữa thuỷ phân, sữa bán nguyên tố và nguyên tố (dạng thuỷ phân).

Dinh dưỡng tĩnh mạch chỉ sử dụng sau dinh dưỡng từ 5 - 7 ngày mà không dung nạp hoặc không đạt mức năng lượng theo yêu cầu (có thể kết hợp dinh dưỡng đường tĩnh mạch và dinh dưỡng đường tiêu hóa nhưng phải sau 5 - 7 ngày để tận dụng dinh dưỡng tĩnh mạch ngoại vi).

Một số thực phẩm nên ăn

Hiện trạng điều trị dinh dưỡng phổ biến tại các bệnh viện là cho người bệnh nhịn ăn hoàn toàn, áp dụng dinh dưỡng tĩnh mạch ngay từ đầu cho tới khi tình trạng lâm sàng ổn định. Nên cho ăn thử để theo dõi đáp ứng, nếu có biểu hiện không dung nạp thì ngừng cho ăn. ở các nơi điều trị chưa phổ biến các loại công thức dễ hấp thu như sữa thuỷ phân bán nguyên tố, nguyên tố, chưa có khả năng đặt sonde hỗng tràng và tá tràng. Nhìn chung là ưu tiên lựa chọn đường tĩnh mạch, bắt đầu dinh dưỡng tiêu hoá khá muộn.

Để phòng biến chứng viêm tụy cấp tái phát người ta chia nhỏ bữa ăn (3 bữa chính; 1 - 2 bữa phụ), bữa sáng phải có rau xanh ăn kèm. Rau xanh 300 - 400g/ngày + quả chín 100g/ngày (không ăn sau ăn). Các loại rau nên ăn như cà rốt, cà chua, gấc, rau cải bó xôi, súp lơ xanh hoặc các loại rau lá xanh đậm (rau cải, rau ngót, mồng tơi, rau lang, rau muống, các loại đậu quả…). Nêu uống thêm bột ngũ cốc hoặc sữa bán thủy phân vào các bữa phụ để nhanh hồi phục sức khỏe. Cho bệnh nhân uống đủ nước (khoảng 1,5 lít/ngày), dhông được uống rượu, bia, bỏ thuốc lá, hạn chế thức ăn xào rán, tăng luộc hấp. Bệnh nhân cần vận động thể lực khoảng 60 phút/ngày, ≥ 4 ngày/tuần.

 BS Nguyễn Đình Phú (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top