Chăm sóc để nốt sởi không lặn vào trong

(khoahocdoisong.vn) - Đông y cho rằng, bệnh sởi thuộc loại ôn bệnh, dễ phát triển thành ôn dịch, bệnh do khí hậu thay đổi trái mùa, những trẻ em cơ địa không phù hợp với sự thay đổi khí hậu, hoặc cơ thể yếu không chịu được thời tiết trái mùa thì dễ nhiễm bệnh.

Hiện nay ở một số địa phương đang có dịch sởi ở trẻ em. Đông y Việt nam có những kinh nghiệm điều trị bệnh sởi rất hay, chúng tôi xin giới thiệu để các đồng nghiệp tham khảo.

Nguyên nhân sinh bệnh: Đông y gọi bệnh sởi là Sa tử có nghĩa là nốt sởi mọc lên như hạt cát. Bênh thuộc loại truyền nhiễm, thường phát sinh vào mùa đông xuân, hoặc thu đông, khi khí hậu thay đổi ở một độ ẩm nhất định thì sinh ra khí độc (vi khuẩn). Bệnh thường phát sinh ở trẻ em từ 2- 8 tuổi, cũng có trẻ lớn tuổi nhưng do cơ thể yếu nên cũng thường nhiễm bệnh. Chu kỳ của bệnh sởi không theo quy luật, có khi 5 năm, có khi 7-10 năm một chu kỳ, lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu của từng năm.

Triệu chứng: Khi mới phát, trẻ có triệu chứng như cảm mạo (Đông y gọi là thương phong). Trẻ sốt, ho, có khi khó thở, chảy nước mũi trong, hắt hơi, ngáp vặt, hai mắt đỏ, có trường hợp sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Sau một hai hôm thì sốt cao, hoặc khi sốt nhiều, khi sốt ít, tinh thần mệt mỏi, hay buồn bã, trằn trọc, ngủ lơ mơ, nằm không yên. Sau 3-4 ngày thì mụn sởi bắt đầu mọc, trước hết là mọc ở mặt, ngực, lưng, eo lưng rồi toàn thân và tay chân, nốt sởi như hạt vừng, có màu đỏ, lúc đầu thưa, sau mọc dày từng mảng. Sau 4-7 ngày thì bắt đầu lặn theo thứ tự, nơi mọc trước thì lặn trước, nơi mọc sau thì lặn sau. Đấy là bệnh thuộc thuận chứng, sốt bắt đầu giảm, các triệu chứng cũng theo đó mà giảm dần.

Bệnh chia ra chứng nặng và chứng  nhẹ, chứng thuận và chứng nghịch. Bệnh nhân có sốt nhưng có ra mồ hôi, ho nhẹ, đại tiểu tiện bình thường, nốt sởi theo thứ tự mọc lên là chứng thuận, chứng nhẹ. Nếu trẻ sốt cao dữ dội, không có mồ hôi, tay chân lạnh, nốt sởi mọc lên nhưng lặn vào dưới da, hoặc chỗ mọc chỗ lặn, hoặc nốt sởi mọc khắp mình nhưng trên đầu và mặt không có, ho suyễn, hai cánh mũi phập phồng, đại tiện đi như rót nước là bệnh thuộc chứng nghịch, chứng nặng. Nếu bệnh thuộc chứng thuận, chứng nhẹ khi mới phát chỉ cần dùng thuốc thanh nhiệt, phát tán, chăm sóc chu đáo tránh gió, tránh nước, không để nốt sởi lặn vào trong thì dần dần bệnh tự khỏi.

Điều trị: Mục chẩn đậu tâm pháp yếu quyết sách y tôn kim giám viết: “Sởi cần phát biểu, hàn lương, rất kỵ tả nội công. Khi sởi đã mọc rồi thì nên thanh lợi, khi sởi đã bay rồi thì nên dưỡng huyết để tránh bệnh nhân bị tổn thương âm huyết”. Vì vậy khi bệnh mới phát, phải phát tán để đuổi khí độc ra ngoài, phải  theo nguyên tắc chữa bệnh sởi của Hải Thượng Lãn Ông: “Ma hý thanh lương, đậu hý ôn” có nghĩa là bệnh sởi ưa dùng thuốc mát để phát biểu làm cho sởi thấu suốt ra ngoài. Nhưng cũng cần xem khí hậu lúc đó nóng lạnh thế nào, kết hợp với chứng trạng của từng bệnh nhân mà biện chứng luận trị để dùng thuốc cho đúng. Có thể dùng bài Tuyên độc phát biểu thang gia giảm: Bạc hà diệp 8g, phòng phong 8g, liên kiều 8g, mộc thông 6g, đạm trúc diệp 6g, cát cánh 8g, cát căn 8g, kinh giới 6g, chỉ xác 4g, tiền hồ 8g, cam thảo 4g, ngưu hoàng 6g nếu không có ngưu hoàng có thể thay bằng sinh địa 8g, chi tử 8g, đăng tâm 4g để dẫn thuốc. Ngày uống một thang sắc chia 3 lần cho trẻ uống trước khi ăn.

TTND. BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

Theo Đời sống
back to top