Cha đẻ của thuốc đặc trị Berberin dập tắt dịch lỵ

(khoahocdoisong.vn) - Ông từng là một cộng tác viên có nhiều bài viết gắn bó với KH&ĐS. Tròn 2 năm kể từ ngày ông rời “cõi tạm”, những thế hệ y khoa đang ngày đêm mong mỏi tìm kiếm dược phẩm chống Covid-19 lại nhớ đến ông - người đã tìm ra thuốc đặc trị Berberin dập tắt dịch lỵ nguy hiểm ở miền Bắc những năm 70. Ông là cố TS.DS Phan Quốc Kinh.
Cố TS.DS Phan Quốc Kinh.

Cố TS.DS Phan Quốc Kinh.

Truyền thống hiếu học

Cố TS.DS Phan Quốc Kinh sinh 1937 tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là quê hương của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc và các nhà khoa bảng. Nhìn vào truyền thống hiếu học với hơn 20 người đỗ đại khoa Tiến sĩ thời phong kiến, ông quyết tâm học hành để xứng đáng với truyền thống quê nhà. Tuy có năng khiếu vượt trội về các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, nhưng ông cũng rất mê thơ. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ. Nói về cuộc đời mình, ông dùng 4 câu thơ: “Mười bảy tuổi đời ra Thăng Long/Chẳng có người thân, tiền cũng không/Ý nguyện trở thành nhà khoa học/Đem sức tài dâng hiến non sông”.

Năm 1954, ông theo học tại Khoa Dược, Đại học Y - Dược Hà Nội. Mặc dù nắm bắt được những kiến thức hiện đại nhất về dược học, hóa học và y học của các nhà bác học hàng đầu thế giới nhưng chàng sinh viên y dược lại có niềm đam mê khám phá dược học cổ truyền. Những năm cuối đại học, ông bắt đầu tham gia nghiên cứu bào chế một số loại thuốc từ tâm sen, lá sen, củ bình vôi... khởi đầu cho con đường nghiên cứu khoa học sau này. Với thành tích học tập xuất sắc, năm 1963, ông được cử đi du học tại Liên Xô cũ rồi trở về nước nhận công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Y - Dược Hà Nội.

Ngày ấy những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, không quân Mỹ đã gia tăng cao độ các đợt ném bom trên khắp miền Bắc. Ngoài địch họa, thiên tai (lũ lớn năm 1971), người dân miền Bắc còn phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của dịch tả lỵ. Tổng kho thực phẩm Trung ương hết thuốc vì không thể nhập khẩu được qua đường không, đường thủy, đường bộ do máy bay, tàu thủy bị quân đội Mỹ bắn phá dữ dội. Không có thuốc, dịch lỵ lan nhanh ở các tỉnh đồng bằng, miền núi, nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy liên tục đến kiệt sức rồi tử vong, nhiều người mệt mỏi, suy nhược.

Đầu năm 1972, lãnh đạo Bộ Y tế dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn và GS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức họp khẩn cấp các nhà y dược học để bàn biện pháp dập tắt dịch. Bên cạnh các biện pháp khử trùng môi trường, các nhà khoa học bàn thảo về phác đồ điều trị, trong đó, mấu chốt nhất là phải có thuốc đặc trị vi khuẩn amip gây ra lỵ. Bộ trưởng Cẩn lúc đó yêu cầu các nhà khoa học phải mau chóng nghiên cứu sản xuất thuốc phòng chống dịch bằng những cây cỏ trong nước. Với vai trò giảng viên, nghiên cứu, DS Phan Quốc Kinh xung phong thay mặt nhà trường nhận nhiệm vụ bào chế, sản xuất đủ thuốc dập dịch sau 6 tháng.

Thần tốc chế thuốc chỉ trong 3 tháng

Nhận nhiệm vụ nặng nề, ngay sau đó, ông huy động tối đa cán bộ giảng dạy và sinh viên của trường đến khắp các làng xã ở miền núi và đồng bằng, tìm hiểu, thu thập kinh nghiệm của nhân dân, của các ông lang, bà mế trong việc sử dụng các loại thuốc nam để chữa bệnh lỵ. 10 ngày sau, nhóm nghiên cứu sản xuất thuốc phòng chống dịch lỵ đã có trong tay hàng trăm bài thuốc Nam điều trị lỵ thu thập được từ khắp các vùng trong cả nước. Tài liệu đó kết hợp với các tài liệu y khoa cổ truyền và y học hiện đại, nhóm đã chọn ra 20 cây thuốc có khả năng chống vi sinh vật gây bệnh lỵ.

Sau hai tuần miệt mài nghiên cứu, nhóm xác định được một số cây cỏ và hoạt chất có tác dụng hữu hiệu chống lại các vi khuẩn và amip gây ra bệnh lỵ để thử nghiệm lâm sàng như cây cỏ sữa lá lớn, hoàng liên gai, hoàng bá, hoàng đằng… Chỉ 3 tháng sau hội nghị, nhóm đã bắt tay vào thu hái dược liệu ở Lào Cai và một số tỉnh, bào chế thành công 2 loại thảo dược: Codanxit và Berberin. Berberin được chiết xuất từ rễ và thân cây vàng đắng, có hoạt tính kháng sinh chống viêm, đặc trị được hội chứng lỵ, bệnh lỵ trực khuẩn, tiêu chảy, viêm ruột, viêm ống mật. Đặc biệt, Berberin điều trị nhiễm khuẩn đường ruột mà không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn có ích ở ruột.

Rất nhanh chóng, GS Tôn Thất Tùng trực tiếp thử nghiệm cho chính mình và các bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức. Kết quả thuốc tốt, hiệu nghiệm, không độc, an toàn, ngay lập tức GS Tôn Thất Tùng đề xuất Bộ Y tế cho sản xuất hàng loạt, quy mô lớn cấp phát cho toàn miền Bắc và gửi vào Nam. Theo ước tính của ngành y tế, sự ra đời của thuốc Berberin đã tránh cho hàng triệu người khỏi cái chết do bệnh lỵ. Từ đó đến nay, Beberin vẫn có mặt trong tủ thuốc của mọi gia đình Việt, được sử dụng cả ở Campuchia và một số nước khác.

Sau thành công của Berberin, DS Phan Quốc Kinh tiếp tục nghiên cứu nhiều loại dược phẩm khác trong đó có thuốc suy nhược thần kinh, an thần gây ngủ sen vông, sử dụng rộng rãi từ năm 1973. Sau này, khi được tham gia báo cáo về các hợp chất thiên nhiên ở Việt Nam trong hội thảo khoa học tại Trường Đại học Hoàng đế London (trường đại học cổ nhất nước Anh), TS.DS Phan Quốc Kinh đã khiến cả hội nghị ngạc nhiên với câu chuyện dập tắt dịch lỵ bằng thuốc Berberin bào chế từ cây cỏ với giá chỉ 1USD cho 1.000 viên.

Tinh thần phản biện, không biết "ngợp" trước tên tuổi lớn, dám tin vào phát hiện của mình ngay cả khi đi ngược với niềm tin của đa số… là phẩm chất làm nên nhà khoa học Phan Quốc Kinh và các công trình của ông. Ông đã có nhiều phản biện nổi tiếng về đề tài thuốc prostaglandin từ san hô mềm, về các thuốc cai nghiện ma túy từ dược liệu…

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học cho biết: "Tôi quen TS.DS Phan Quốc Kinh từ hồi ông còn là sinh viên ở Việt Nam, lúc nào tôi cũng thấy ông trăn trở về cây thuốc Việt Nam. Ông là một người có tài và có tâm, một trong những nhà khoa học tiêu biểu của Việt Nam lấy sự cống hiến làm lẽ sống và niềm vui của mình. Không chấp nhận thói xấu trong khoa học và trong quản lý, TS.DS Phan Quốc Kinh có tinh thần đấu tranh rất mạnh để bảo vệ lẽ phải, góp ích cho đời".

GS.TS Trần Mạnh Bình, nguyên giảng viên Đại học Dược Hà Nội cho hay: "TS Phan Quốc Kinh đã sống một đời thanh bạch. Hồi nghiên cứu thuốc chữa dịch lỵ, anh cần bao nhiêu tiền để nghiên cứu nếu đề xuất chắc chắn sẽ được cung ứng ngay, nhưng anh không hề xin một xu nào. Người ta cấp xe cho, anh cũng không nhận mà chỉ gắn bó với chiếc xe đạp đã cũ...".

Nhắc đến ông, nhiều thế hệ lãnh đạo và phóng viên KH&ĐS vẫn nhớ tới những bài báo sâu sắc về cây thuốc, vị thuốc, phương pháp chữa bệnh dân gian thiết thực, rẻ tiền được nhiều độc giả yêu thích. Sau khi nghỉ hưu, ông dành tình yêu cho thơ, viết sách và cộng tác với KH&ĐS nhiều hơn. Đã tròn 2 năm TS.DS Phan Quốc Kinh qua đời để lại một tấm gương lớn về cuộc đời nghiên cứu khoa học thanh bạch, đáng kính.

Trong suốt quãng thời gian cống hiến cho nền Y Dược học nước nhà, cố TS.DS Phan Quốc Kinh và các cộng sự đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất gần 20 loại thuốc từ nguyên liệu Việt Nam. Năm 1975, TS.DS Phan Quốc Kinh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng về nghiên cứu khoa học, đồng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000 và nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế.
Theo Đời sống
back to top