CEO Hoàng Quốc Việt: Nhìn động thái “ông lớn” để tránh “sập bẫy” tiền ảo

Bitcoin cùng nhiều đồng tiền ảo lao dốc không phanh, nhưng nhiều người Việt Nam và các nhà đầu tư vẫn đang đặc biệt quan tâm đến thị trường này. Vậy làm thế nào để hiểu đúng về tài sản kỹ thuật số và đưa ra quyết định đầu tư tối ưu nhất?

Bitcoin cùng nhiều đồng tiền ảo lao dốc không phanh, nhưng nhiều người Việt Nam và các nhà đầu tư vẫn đang đặc biệt quan tâm đến thị trường này. Vậy làm thế nào để hiểu đúng về tài sản kỹ thuật số và đưa ra quyết định đầu tư tối ưu nhất?... Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc OTIS Capital đã có cuộc trao đổi với Khoa học và Đời sống xoay quanh vấn đề này.

anh-1.png

Ông Hoàng Quốc Việt là người sáng lập và điều hành Otis Capital. Đây là công ty Quản lý quỹ Tài sản kỹ thuật số tiên phong hàng đầu tại Việt Nam. Trước khi thành lập Otis Capital, ông Việt đã có nhiều năm kinh nghiệm trong thị trường tài chính nói chung và tài sản kỹ thuật số nói riêng. Gần đây, để giúp đỡ các nhà đầu tư Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các kiến thức chuyên sâu về thị trường, ông Việt cùng đội ngũ Otis Capital đã lập nên Otis Report. Đây là chuyên trang chia sẻ kiến thức miễn phí về phương pháp đầu tư trong thị trường đặc biệt này.

Giá trị thật

Thị trường tiền kỹ thuật số đang rất “nóng” nhưng người ta gọi nó là tài sản ảo. Điều đó có đúng không, thưa ông?

Tài sản kỹ thuật số là những tài sản được số hóa trên hệ thống blockchain. Đây là tài sản thực chứ không phải tài sản ảo như mọi người hay tưởng. Tài sản số là tiền mặt hay các tài sản được số hóa và phát hành bởi bất kỳ cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý hay chính phủ nào dưới dạng blockchain và đi kèm với nó là quyền sở hữu.

Nghĩa là ngoài tiền số, sẽ có những tài sản khác cũng được số hóa?

Đúng. Ví dụ như bất động sản, file ảnh, tranh nghệ thuật, nội dung số... được số hóa thì chính là tài sản số và nó có giá trị thật.

Ông có nhận định gì về xu hướng đầu tư thị trường tài sản kỹ thuật số trên thế giới hiện nay?

Phần lớn các nhà đầu tư hiện nay chỉ được coi là nhà đầu cơ. Họ tham gia vào thị trường này với mục đích nhảy theo các con sóng để kiếm lời, mua đi bán lại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tổ chức lớn tham gia vào thị trường. Điều đó cho thấy đây là một thị trường tiềm năng và sẽ phát triển trong tương lai.

Tài sản kỹ thuật số được giao dịch nhiều nhất hiện nay là tiền số (coin). Một bên cho rằng thị trường tiềm năng, một bên cho rằng lừa đảo. Tại sao lại như vậy?

Mỗi một đồng tiền số được tạo ra để giải quyết một vấn đề đang tồn tại trong thị trường tài chính, hoặc được tạo ra để giải quyết những vấn đề cũ một cách tốt hơn. Có những đồng tiền mới ra đời giải quyết được rất nhiều vấn đề của thị trường tài chính hiện nay. Nhưng không phải đồng tiền số nào cũng có giá trị.

Rất nhiều đồng coin được tạo ra với mục đích lừa đảo người dùng (scam). Tuy nhiên, vấn đề scam sẽ ngày càng hạn chế bởi với sự phát triển của công nghệ, hợp đồng thông minh với những giao thức ngày càng bảo vệ người dùng nhiều hơn. Ngoài ra, khi kinh nghiệm của nhà đầu tư đủ lâu, họ có thể nhận ra được dự án nào mang hơi hướng scam. Hiện nay, cũng có nhiều dự án bảo hiểm bảo vệ các nhà đầu tư tiền số. Vì thế, tôi cho rằng trong tương lai môi trường này sẽ an toàn hơn.

Nhưng thực tế thời gian qua ở Việt Nam đã rất nhiều nhà đầu tư “sập bẫy” các dự án ảo?

Việc đầu cơ giá, bơm thổi trong thị trường tiền số là không thể tránh khỏi, nó cũng giống như các thị trường truyền thống như vàng, chứng khoán, bất động sản... Sẽ có những đồng coin được tạo ra chỉ để mục đích scam, bơm thổi giá, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Thông tin công khai minh bạch

Vậy nhà đầu tư làm sao biết được đâu là dự án tiền số scam, đâu là dự án tiền số tốt?

Chất lượng của các đồng coin được đánh giá bởi một số yếu tố cơ bản. Thứ nhất, phải xem đội ngũ tạo ra đồng coin đó là ai, có đủ trình độ chuyên môn và nhiệt huyết để theo dự án đó đến cùng không.

Thứ hai, các đồng coin đó có được đầu tư bởi các quỹ lớn hay các tổ chức có uy tín trên thị trường hay không. Nếu một dự án có nhiều quỹ lớn, nhiều tổ chức lớn đầu tư thì khả năng cao là chất lượng.

Thứ ba, xem xét tính ứng dụng và hệ sinh thái xây quanh nó. Nếu nó có một hệ sinh thái đủ lớn và tính ứng dụng tốt thì rất khả thi. Thông tin trong thị trường blockchain là hoàn toàn công khai minh bạch, ai cũng có thể tìm hiểu. Chỉ là chúng ta không tự tìm hiểu mà thôi!

Vậy một cách để nhà đầu tư cá nhân quan sát đưa ra quyết định đầu tư là nhìn vào động thái của các ông lớn, của các chính phủ?

Đó cũng là một cách! Và đó là cách đơn giản nhất dành cho những người không biết gì.

Vậy quay trở lại đồng coin đầu tiên. Theo ông bitcoin có là đồng tiền luôn “hot” nhất trong các coin?

Bitcoin là một tài sản kỹ thuật số. Nó mang đầy đủ đặc tính lưu trữ giá trị và tính khan hiếm, giống như là vàng vậy. Khi chúng ta hiểu được cơ chế vận hành của nó thì có thể hiểu nó là vàng 2.0.

Tôi cho rằng thời gian qua, thị trường tài sản kỹ thuật số “nóng” là bởi giá trị nội tại của thị trường này. Cũng có thể đa phần các nhà đầu tư hiện nay không còn tin tưởng vào nền tài chính cũ nữa. Nhiều người lo sợ rằng đồng tiền sẽ ngày càng mất giá trị nên họ sẽ tìm đến những kênh lưu trữ giá trị mới như tài sản kỹ thuật số.

Đầu tư nào cũng có rủi ro. Theo ông, rủi ro lớn nhất của tài sản kỹ thuật số là gì?

Những yếu tố rủi ro sau sẽ ngăn cản các nhà đầu tư. Thứ nhất là tính pháp lý. Hiện một số quốc gia đã chấp nhận tiền số là tài sản kỹ thuật số rồi nhưng sự chấp nhận và nhìn nhận vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ. Họ cần có thời gian để ra những quy chế, tính pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư trong thị trường của họ. Đó là một rủi ro.

 Liên minh châu Âu (EU); phần lớn các quốc gia ở châu Phi; một số quốc gia phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ; các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Mexico đã chấp nhận bitcoin là tài sản kỹ thuật số... Đức cũng cho phép các ngân hàng trung ương tại Đức lưu trữ bitcoin và các tài sản kỹ thuật số có giá trị khác. Có thể thấy, rủi ro về tính pháp lý của thị trường tài sản kỹ thuật số đang ngày càng được khắc phục.

Vấn đề rủi ro bảo mật trong thị trường này cũng rất quan trọng. Để có thể mua bán trao đổi thì chúng ta phải có ví điện tử để lưu trữ. Nếu chúng ta lưu trữ trên ví của các sàn thì sẽ phải đối mặt với vấn đề sàn giao dịch bị hack, bị scam và tài sản đó sẽ bị mất. Một số sàn uy tín cũng mua bảo hiểm cho tài sản của nhà đầu tư, nhưng ở góc độ nào đó thì bảo hiểm chỉ đền bù được một phần. Trong trường hợp lưu trữ vào các ví cá nhân, các nhà đầu tư có thể phải chịu rủi ro nếu quên ví, mất ví.

Vậy cuối cùng tiền số và tài sản số có phải là mảnh đất tạo cơ hội cho các nhà đầu tư làm giàu trong tương lai không?

Điều này đúng. Hiện tại mới là thời kỳ đầu của kỷ nguyên tài sản kỹ thuật số mà thôi. Tính khan hiếm của bitcoin là chỉ có 21 triệu đồng. Khan hiếm hơn rất nhiều so với vàng và bạc. Chính vì thế, tôi tin tưởng trong tương lai bitcoin cũng như các tài sản kỹ thuật số sẽ có một chỗ đứng nhất định cạnh tranh với thị trường lâu đời.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Theo Đời sống
back to top