CEO Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình: Muốn sách phát triển phải đi bằng “hai chân”

Mong muốn người Việt được tiếp cận tri thức với giá rẻ, từ đó giúp thế hệ trẻ có nhiều ý tưởng kinh doanh, làm giàu, ông Nguyễn Cảnh Bình - CEO Alpha Books đã đưa nhiều cuốn sách nổi tiếng thế giới về Việt Nam. Cuộc trò chuyện với ông mở ra cái nhìn toàn cảnh, mới mẻ, thú vị và tràn đầy hy vọng về tương lai của nền xuất bản Việt Nam cũng như cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận với tri thức thế giới...
canh-binh.jpg
Ông Nguyễn Cảnh Bình - CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của Alpha Books.

Không bán sách, chỉ bán ý tưởng

Ông vừa cho ra đời cuốn tự truyện Khát vọng sống. Dự án này ông đã ấp ủ bao lâu rồi?

5 năm trước nhiều người gợi ý tôi viết một cuốn sách nên tôi dự định viết hồi ký, tự truyện. Thường mọi người cứ nghĩ phải già, thành đạt, phải 70 - 80 mới viết tự truyện nhưng là người làm sách tôi nhận thấy khi mình già rồi, câu chuyện mình kể đôi khi không còn hữu ích sát thực tế nữa. Nên tôi nghĩ giới trẻ Việt Nam có thể theo kiểu phương Tây hiện đại, chia sẻ những câu chuyện trải nghiệm của mình ngay trong ngắn hạn, đương đại, hơn là khi mình về già, trí nhớ có thể quên lãng...

Nhưng ở Việt Nam, những doanh nhân viết tự truyện như ông không nhiều. Vì sao vậy?

Tôi gặp 10 doanh nhân thì 8 người sẵn sàng viết, nhưng thiếu người chắp bút. Có rất nhiều đại gia, doanh nhân muốn viết, nhưng họ lại gặp những trở ngại. Thêm nữa, ở Việt Nam có những chuyện không thể kể được. Thứ ba là chưa có người làm, cơ chế để làm. Nhưng tôi tin rằng trong một vài năm tới, tốc độ tăng trưởng mảng tự truyện sẽ thực sự lớn. Hiện Alpha đã xây dựng (set up) một bộ phận chuyên để xuất bản về các doanh nhân Việt Nam. Chúng ta chỉ cần chờ một hai năm tới thôi!

tu-truyen-nguyen-canh-binh.jpg

Một hai năm có đủ để đào tạo người viết?

Thực ra chúng ta có rất nhiều nhà báo. Đây là nguồn nhân lực hỗ trợ nhiều cho xuất bản. Tuy nhiên, người Việt hệ thống tưởng tưởng khái quát hóa hơi yếu. Chúng ta không có một J.K. Rowling với trí tưởng tượng vô cùng tuyệt vời viết nên Harry Potter hay George R.R.Martin viết Trò chơi vương quyền. Người Việt Nam viết mô tả nhiều hơn, chưa có khả năng khái quát hóa và tưởng tượng. Chúng ta cần thêm thời gian và đào tạo để người viết trưởng thành.

Trong cuốn tự truyện ông có nói về hành trình kinh doanh. Vậy điều gì đọng lại trong hành trình đó?

Tôi khởi nghiệp sách năm 2005 khi Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập, kinh tế tư nhân bắt đầu phát triển. Thời điểm đó kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo nhưng tôi nghĩ giới trẻ sẽ mong muốn khởi nghiệp, làm giàu và cần tri thức để phát triển doanh nghiệp. Vì thế, tôi “đặt cược” mang tri thức phương Tây với phương pháp quản trị hiện đại về Việt Nam. Khẩu hiệu (slogan) ban đầu của Alpha là “Ở đây không bán sách. Ở đây bán phương pháp quản trị hiện đại và những ý tưởng kinh doanh trên thế giới”. Đến nay, sau 15 năm, tôi thật sự hài lòng với những đóng góp mà mình mang lại cho cộng đồng.

Là người tiên phong mở đầu thị trường, tất nhiên có những thuận lợi nhưng cũng sẽ khó khăn...

Ngày đó tôi học Bách khoa ra, cũng ngờ nghệch, nhân viên ít, tiền không có nhiều, trong 3 năm đầu tiên phải tự mình đọc hết tất cả các sách kinh doanh mua bản quyền. Nhờ đó kiến thức quản trị của tôi tương đối tốt. Tôi áp dụng kiến thức vào quá trình điều hành doanh nghiệp của mình hiệu quả và sau đó bắt đầu làm giám khảo các chương trình “Làm giàu không khó”, “Chìa khóa thành công”, “Đường đến thành công”, CEO... Những năm đó, kiến thức của tôi được va chạm với thực tế, trao đổi với các bạn trẻ. Từ đó tôi cảm nhận được nhu cầu của xã hội thông qua những trao đổi, từ đó chọn lựa được những sản phẩm phù hợp với doanh nhân. Tuy nhiên, thời điểm chưa có mạng xã hội, việc bán sách khá vất vả. Chúng tôi phải mang sách đi khắp nơi, tiếp cận khách hàng dù chỉ là một nhóm nhỏ. Làm sách để trở thành người giàu có quả thực là khó khăn.

canh-binh-tu-truyen.png

Tương lai của nền xuất bản

Theo ông, điều gì là nút thắt của ngành xuất bản Việt Nam hiện nay?

“Cái áo chật”! Tức là luật pháp, cơ chế, sách lậu, vấn đề bản quyền và mạng xã hội làm cho người ta bớt đi việc đọc; nhu cầu nghe nhìn đang lấn át thời gian đọc; và, các đơn vị xuất bản chưa thực sự lớn mạnh, chuyên nghiệp. Chúng ta cần một “cái áo” mới. Muốn sách phát triển phải đi bằng “hai chân”: xuất bản và phát hành. Không có hệ thống thư viện (phát hành) thì không phát triển được!

Có phải giá sách tại Việt Nam vẫn rẻ so với thế giới không ông?

Giá sách Việt Nam rẻ hơn so với thế giới, nhưng lại đắt hơn so với thu nhập của người Việt. Giá sách bên Mỹ đắt gấp đôi so với mình, nhưng thu nhập bên Mỹ gấp 10 lần Việt Nam.

Vậy để phát triển sách những cuốn sách hay tại Việt Nam với giá cao thì làm thế nào?

Chúng tôi đang muốn đưa về Việt Nam những cuốn sách giá trị, nhưng nếu bán hàng triệu đồng thì làm sao trẻ em có thể mua được. Phải làm thế nào để trẻ em chỉ mất 50.000đ mà được đọc những cuốn sách giá trị tiền triệu. Hệ thống thư viện là giải pháp cho vấn đề đó. Chỉ cần mua cái thẻ thư viện 100.000đ là có thể đọc được hàng trăm cuốn như vậy. Đó là cách không tốn kém tiền vẫn có thể tiếp cận được tri thức!

Hệ thống thư viện phát triển sẽ giúp giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất giúp người đọc tiếp cận tri thức với giá rẻ. Thứ hai sẽ hỗ trợ các đơn vị xuất bản tiếp cận độc giả và phát hành sách với giá hợp lý. Việt Nam sẽ phát triển khoảng 10.000 thư viện trên khắp cả nước. Đó là xu hướng! Tôi tin trong tương lai Việt Nam sẽ như thế!

mo-hinh-thu-vien-hien-dai-dang-manh-nha-va-se-phat-trien-tai-vn.jpg

Vậy sẽ có nhiều thư viện tư nhân?

Đúng. Từ 1/7/2020, Luật Thư viện lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam. Thư viện tại các trường phổ thông hiện không có gì nhiều, thiếu hiệu quả. Phòng sinh hoạt cộng đồng tại các khu chung cư cũng bỏ không. Trong khi thế giới, phòng sinh hoạt cộng đồng chính là một thư viện. Tất nhiên là mô hình thư viện hiện đại gồm 4 trong 1: Thư viện, nhà sách, quán cà phê và không gian làm việc. Chỉ có thể phát triển thư viện mới giúp cho người Việt Nam, cho trẻ em tiếp cận tri thức với giá rẻ.

Uhmm... Vậy thách thức của chúng ta là tri thức với giá rẻ chứ không phải với giá cao...

Tiêu dùng cuốn sách khác với những vật chất khác. Trong chuỗi thực phẩm, bạn ăn một con gà thì người khác không còn con gà để ăn. Nhưng bạn đọc cuốn sách thì người khác vẫn đọc được. Thậm chí bạn đọc và ghi chép vào thì giá trị cuốn sách còn cao hơn so với ban đầu. Chỉ có như thế, người Việt Nam mới tiếp cận tri thức giá rẻ, nhanh chóng, thuận tiện.

thu-vien-dai-hoc-rmit-viet-nam.jpg
Thư viện Đại học RMIT Việt Nam.

Xem ra đất cho mảng xuất bản và kinh tế tri thức hiện đang còn rất nhiều?

Có một thứ không hề thay đổi ở Việt Nam trong nhiều năm qua đó là sách giáo dục (cười). Vẫn còn đó những thị trường bỏ trống như giáo trình đại học, sách giáo khoa, tự truyện... Sách giáo khoa trên thế giới phát triển rất nhanh trong khi Việt Nam quá cũ kỹ. Ở Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore... sách giáo khoa cập nhật hằng năm như lên đời iPhone.

Khi tôi sang Mỹ, tôi nhìn thấy một không gian xuất bản số. Tôi đã đề cập với trường Harvard cho phép được truy cập kho tàng luận văn, đề tài khoa học của trường cho sinh viên Việt Nam. Tôi ao ước trong 3 năm tới có thể giúp sinh viên Kinh tế, Bách khoa được đọc các công trình nghiên cứu của các trường đại học danh tiếng thế giới. Đó là không gian mở cho xuất bản trong thời gian tới.

Cảm ơn ông rất nhiều! Chúc ông thành công với những dự định sắp tới của mình!

ong-nguyen-canh-binh-alpha-books.jpg

Ông Nguyễn Cảnh Bình sinh năm 1972 tại Hà Nội là sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Alpha Books, Omega+ Books và các thương hiệu khác như ETS, Gamma, MedInsight, Sống và Trạm đọc. Ông cũng là tác giả, dịch giả, tham gia biên soạn nhiều cuốn sách về thiết chế, hiến pháp, tổ chức, lãnh đạo và giáo dục trên thế giới. Ông đã có nhiều chương trình đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng gồm: Hành Trình Tri Thức, Cùng Đọc Sách, Đại sứ Văn Hóa Đọc, và các hoạt động đào tạo lãnh đạo trẻ và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên...

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top