Cây thông trị ho, đau nhức cơ xương khớp

Theo các nghiên cứu hiện đại, tinh dầu cây thông có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loài vi sinh vật gây bệnh (trực khuẩn lao, lỵ, thương hàn, tụ cầu, liên cầu và phế cầu…). Nó cũng có khả năng chống co thắt cơ trơn và chống viêm.

Cây thông cũng được sử dụng rộng rãi trong nền y học cổ truyền của nhiều nước. Các lương y Ấn Độ dùng dầu thông làm thuốc long đờm, trị viêm phế quản mạn tính, đau bụng do đầy hơi, chảy máu nhẹ ở chân răng và mũi. Người Ấn Độ còn dùng dầu này làm thuốc bôi ngoài da để điều trị đau lưng, viêm khớp và đau dây thần kinh. Tại Nhật Bản, cao quả thông được sử dụng để điều trị các u ở dạ dày và bệnh bạch cầu.

Với người già có tuổi nhân hạt thông có tác dụng bổ can thận, nhuận phế, nhuận tràng, nhuận dưỡng da thịt. Đặc biệt thích hợp với người già yếu hư hàn vì không ảnh hưởng tới xấu tới chính khí (như khi dùng chữa người già bị tiêu chảy).

Ho lâu ngày, ít đờm: nhân hạt thông 30g, hạnh đào 60g, nghiền nát làm thành cao. Ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa với nước sôi để ấm. Nếu dùng thường xuyên còn có tác dụng làm tinh thần sảng khoái, da tươi nhuận hồng hào. Hoặc quả thông 10g, lá hẹ 12g, lá kinh giới 12g thái nhỏ sắc 400 ml nước còn 1/3 chia uống 2 lần.

Hen suyễn: tùng hương 200g, tỏi 200g, dầu vừng 100g, riềng 100g, long não 4g, nếu thành cao dán lên huyệt.

Đau đầu, chóng mặt: Phần hoa thông (tùng hoàng, tùng phấn hoa) bột mịn màu vàng nhạt, nhẹ dễ bay, không chìm trong nước, vị béo, ngọt nhạt không mùi, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng, trừ phong chữa đau đầu, chóng mặt, sắc uống ngày 4- 8 g.

Đau xương khớp, sưng tấy: Lá thông băm nhỏ ngâm rượu để xoa bóp, hoặc ngâm rượu lá thông với đương quy để uống chữa nhức mỏi cơ xương khớp, va đập bầm tím. Lấy đốt mắt cành thông  cạo vỏ lấy lõi phơi khô 20g sắc nước uống có công dụng giảm đau nhức cơ xương khớp lưng gối, chữa tê thấp. Hoặc nhựa thông 40g, nhựa cây Sau sau 40g, sáp ong 10g, đun nhỏ lửa khoảng 10 phút,  để nguội phết lên giấy dán lên chỗ sưng.

Đau nhức răng: đốt mắt thông thái nhỏ ngâm rượu càng đặc càng tốt, ngâm nghiêng phía răng đau một lúc rồi nhổ đi. Ngày vài lần.

BS Nguyễn Văn Quang (Hội Nam Y Việt Nam)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top