Cây khúng khéng giải độc bia, rượu

(khoahocdoisong.vn) - Dùng cuống cụm quả của cây khúng khéng để chống nôn, giải độc, ngộ độc rượu, tiểu tiện không thông, khát nước, khô cổ và bảo vệ gan; tác dụng tốt cho người có chức năng gan kém, mắc các bệnh về gan (viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan), vàng da, chán ăn, táo bón...

Cây khúng khéng còn gọi là chỉ cụ, vạn thọ, kê trảo; tên khoa học là Hovenia dulcis Thunb., thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae), một cây thuốc có tác dụng giải độc bia, rượu và bảo vệ gan.

Khúng khéng là cây gỗ sống lâu năm, cao tới 10 - 15m. Vỏ thân màu nâu xám, cành non có lông và lỗ vỏ. Lá mọc so le, hình trứng, dài 10 - 15cm, rộng 5 - 9cm, đầu nhọn, gốc lá tròn, mặt dưới lá nhẵn hay có lông trên các gân, mép khía răng cưa, cuống lá dài 3 - 5cm. Cụm hoa là xim ngắn ở nách lá hoặc đầu cành. Hoa màu trắng hay lục nhạt, đường kính 6 - 8mm, có cuống. Quả hạch, gần hình cầu, đường kính 6,5 - 7,5mm, đính trên cuống cụm quả nạc, phồng to, màu nâu, vị ngọt. Hạt tròn dẹt, đường kính 5 - 5,5mm, màu nâu bóng (gọi là chỉ cụ tử). Mùa hoa tháng 5 - 6, quả tháng 9 - 10. Sau khi thu hái, quả được phơi khô để dùng.

Cây phân bố ở khu vực cận nhiệt đới Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực cận Himalaya của Ấn Độ. Ở nước ta, cây này mọc hoang trong rừng thưa và trên nương rẫy ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng và cũng được trồng bằng hạt hoặc giâm cành.

Theo y học cổ truyền, cuống cụm quả có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chỉ khát, thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi tiểu và giải độc rượu. Từ xa xưa người ta đã dùng cuống cụm quả của cây khúng khéng để chống nôn, giải độc, ngộ độc rượu, tiểu tiện không thông, khát nước, khô cổ và bảo vệ gan; tác dụng tốt cho người có chức năng gan kém, mắc các bệnh về gan (viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan), vàng da, chán ăn, táo bón. Ở Trung Quốc, cuống cụm quả khô và hạt được dùng làm thuốc trị ngộ độc rượu. Ngày dùng 3 - 5g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Ngoài ra, gỗ cây khúng khéng cũng dùng nấu nước cho người say rượu uống để giã rượu. Cuống cụm quả cũng dùng để ăn.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh cuống cụm quả khúng khéng có chứa đường glucose (11,14%), fructose (4,74%), sucrose (12,39%) và các nhóm chất flavonoid, alcaloid và saponin. Từ quả và hạt khúng khéng đã phân lập được ba chất dihydroflavonol mới là hovenitin I, II, III và 4 chất flavonoid đã biết là (+) (-) ampelopsin laricetrin, myricetin và (+) (-) gallocatechin. 

Các nhà khoa học Trung Quốc đã chứng minh khúng khéng có tác dụng chống oxy hóa, tăng miễn dịch, hạ đường huyết và chống dị ứng; đặc biệt, làm hạ nồng độ cồn trong máu và tăng hoạt tính của enzym ADH sau khi uống rượu. Điều đó có nghĩa là nó ngăn cản sự hấp thụ rượu ở đường tiêu hóa, làm tăng sự chuyển hóa rượu ở gan, chống say rượu và những tác dụng không tốt do rượu và bia gây ra.

PGS.TSKH Trần Công Khánh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển cây thuốc Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top