Cây cảnh có khả năng hấp thụ bức xạ?

Cây cảnh có khả năng hấp thụ bức xạ điện từ không, các chuyên gia sẽ lý giải để bạn biết và ứng dụng một cách khoa học nhất.

Cây chỉ hấp thụ khí độc vào ban ngày

Theo các thông tin nhiều người truyền nhau cho rằng, sóng điện từ từ các thiết bị điện tử không tốt cho sức khỏe, nhất là ban đêm. Các sóng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như hệ thần kinh, dẫn đến nguy cơ ung thư, kém minh mẫn, đau đầu, mệt mỏi. Và cách khắc phục, hay chính xác để hấp thụ sóng điện từ là sử dụng cây xanh. Vì thế, một số cây xanh như lưỡi hổ, lan ý, đa búp đỏ… có khả năng hấp thụ các chất độc trong nhà như khí benzen, CO2, toluene mà còn hấp thụ cả điện từ.

Cây cảnh có khả năng hấp thụ bức xạ

Tuy nhiên, trao đổi cùng PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên trưởng Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, ông cho rằng cần xem xét lại vấn đề này.

Đối với yếu tố cây hấp thụ các khí độc là các chất bay hơi thường hay có trong nhà như formanđêhit, xylen, toluen, amoniac, benzen… là hoàn toàn có. Các cây đã được chứng minh có tác dụng đó là thiết mộc lan, xương rồng, lô hội, vạn niên thanh, lan ý, hoa trạng nguyên… Các cây này ở mức độ nào đó có thể hấp thụ các chất độc.

“Cơ chế hấp thụ khí độc của cây dưới góc độ cây quang hợp và sau đó chuyển đổi thành các chất cần cho sự phát triển sinh khối, tức để tạo nên cấu tạo của lá, vỏ, thân, rễ… giúp cây phát triển. Mỗi cây có một đặc điểm riêng nên cây sẽ hấp thụ khí toluen, cây thì benzen. Nhưng điểm cần nhấn mạnh là cây chỉ hấp thụ vào buổi ngày, lúc cây quang hợp. Do đó, việc đặt cây trong nhà vào buổi tối cũng không hiệu quả”, PGS.TS Lưu Đức Hải nói.

Chưa có thông tin về hấp thụ điện từ

Phân tích sâu thêm, vị chuyên gia cho hay, vì cây chỉ quang hợp vào buổi ngày nên các cây trồng trong nhà hay văn phòng có thể sẽ tốt cho con người. Nhưng ngược lại buổi đêm lại không tốt. Bởi lúc này cây không quang hợp hấp thụ khí độc mà ngược lại thải ra khí CO2 nên gây độc cho con người.

Với cây trồng trong văn phòng có thể không sao, do chúng ta không ngủ trong không gian này vào buổi tối. Còn nhà ở, nhất là phòng ngủ thì việc tăng khí CO2 lại không tốt, nhất là những trang mạng khuyên một cách chưa khoa học là để gần giường.

Ngoài ra, hiện nay chưa có tài liệu nào nói rõ về việc cây xanh có thể hấp thụ sóng điện từ từ các thiết bị điện tử hay sóng điện thoại. Để hấp thụ điện từ, cần phải có bước sóng cùng dao động cụ thể. Đối với cây xanh, chưa có sự đo đếm khoa học hay thí nghiệm rõ nên người dân cần thông thái khi đặt cây trong nhà, bên giường ngủ.

“Việc áp dụng các thông tin không khoa học có thể gây ảnh hưởng sức khỏe ngược lại. Bởi cây không những làm tăng độ ẩm trong phòng, thải khí CO2 nên rõ ràng chưa tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, cây trồng trong nhà không có đủ ánh sáng dẫn đến tình trạng cây bị vàng lá, chết dần chết mòn,… là điều không hay”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, nhà nên có nhiều cây xanh, nhưng nên trồng ngoài trời như sân vườn, hành lang, ban công… Có thể trồng trong nhà nhưng là nơi vẫn đón được ánh nắng hoặc cần đưa ra ánh nắng nhiều hơn, cho cây ra ngoài vào buổi tối.

Hà Trang

Theo Đời sống
back to top