Cấp phép thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam: Chân dung 3 doanh nghiệp được chọn

Cả 3 doanh nghiệp vừa được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc Molnupiravir đều có các hoạt động kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Trong đó, hoạt động nổi bật là nhập, xuất khẩu và phân phối thuốc.

Chỉ 3/10 doanh nghiệp được chọn

Để đảm bảo nguồn cung ứng và tăng cường khả năng tiếp tận thuốc mới trong điều trị bệnh Covid-19, ngày 17/2/2022, Bộ Y tế đã có Quyết định cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước.

Cụ thể: Thuốc Molnupiravir (200mg) của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir (400mg) của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir (400mg) của Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam.

Chiều 23/2/2022, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tiếp tục chính thức công bố giá bán thuốc Molnupiravirđiều trị Covid-19 của 3 doanh nghiệp này.

Theo đó, thuốc Molnupiravir (400mg) dạng viên nang cứng do Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500đ/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.

Giá của thuốc Molnupiravir (200mg) dạng viên nang của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar có giá 8.675đ/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.

Và cuối cùng thuốc Molnupiravir (400mg) do Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 sản xuất có giá 12.500đ/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.

Bộ Y tế cũng lưu ý, thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Mặt khác, do đây là thuốc mới, nên Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có nghị quyết và quy chế đặc biệt, nhằm cho phép lưu hành một số thuốc (bao gồm Molnupiravir) và một số vật tư, trang thiết bị để chống dịch Covid-19.

Đáng lưu ý, hiện đã có 10 công ty nộp hồ sơ cho Cục Quản lý Dược. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 doanh nghiệp trên được cấp phép.

meko3.jpg
Thuốc Molravir 400mg của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam.

Hoạt động ra sao?

Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mekophar) có trụ sở chính tại 297/5 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11, TPHCM, thành lập năm 2002, do ông Lê Anh Phương làm Chủ tịch HĐQT và đã có mặt trên sàn UPCoM từ năm 2017.

Tiền thân của Mekophar là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24, thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam. Năm 1992, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 - Mekophar thành lập Công ty Cổ phần Dược phẩm Dược liệu Mekong.

Năm 1993, Xí nghiệp liên doanh với Công ty Woopyung - Hàn Quốc thành lập Công ty Liên doanh Woopyung - Mekophar, sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp như Amoxicilin, Ampicilin.

Sau đó 7 năm, xí nghiệp đã mua lại toàn bộ phần vốn của đối tác liên doanh và Công ty Liên doanh Woopyung - Mekophar trở thành phân xưởng sản xuất kháng sinh của Xí nghiệp.

Từ năm 2001, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP Hoá - Dược phẩm Mekophar. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 36 tỷ đồng.

Tới nay, Mekophar có Nhà máy sản xuất Thuốc tại Khu công nghệ cao được công nhận GMP Japan, Ngân hàng tế bào gốc Mekostem và mở nhiều chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An.

Năm 2020, ngành dược gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do dịch Covid-19 làm cho số lượng bệnh nhân giảm, giãn cách xã hội tại các cơ sở khám chữa bệnh… nhu cầu tiêu thụ thuốc tại các kênh thầu giảm sút nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố dịch bệnh, những năm gần đây, Mekophar cũng gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của các đối thủ ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất có 90% là nguyên liệu nhập khẩu, Trung Quốc lại đóng cửa nhiều nhà máy nên giá nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Những năm gần đây công ty không thể trúng thầu thuốc vào các bệnh viện.

Báo cáo tài chính Mekophar cho thấy, từ năm 2018 trở lại đây, lợi nhuận của doanh nghiệp này sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là 128,241 tỷ đồng, 86,526 tỷ đồng và 57,673 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Mekophar là 101 tỷ đồng, đến năm 2019 giảm còn 65,471 tỷ đồng, năm 2020 chỉ còn 39,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, 2 doanh nghiệp vừa được cấp phép sản xuất chứa Molnupiravir còn lại là Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm (Stellapharm) và Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam (Boston Pharma) đều hoạt động kinh doanh với các đối tác nước ngoài.

Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm tiền thân là Công ty TNHH Liên doanh STADA - Việt Nam thành lập năm 2009 có trụ sở tại huyện Hóc Môn, TPHCM, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm nhập khẩu.

Doanh nghiệp này được thành lập trên sự góp vốn của Công ty TNHH Thương mại dược phẩm MST và đối tác Stada Pharmace Uticals (Asia) LTD, mỗi bên góp 50% cổ phần.

Đến năm 2019, Stada Pharmace Uticals (Asia) LTD rút khỏi doanh nghiệp này. Thay vào đó là Auxilto Healthcare International Prevate Limited (Singapore). Tuy nhiên, lúc này giá trị vốn góp của Auxilto Healthcare International Prevate Limited chỉ là 76,32 tỷ đồng (tương đương 8% vốn điều lệ), còn lại Công ty TNHH thương mại dược phẩm MST góp 877,68 tỷ đồng (tương đương 92%).

Trong quá trình hoạt động, cá nhân ông Văn Dũng (SN 1959) luôn đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật cho Stellapharm.

Vào năm 2002, HIV/AIDS trở thành đại dịch, Stellapharm đã ra mắt thuốc ARV đầu tiên của mình dưới tên Lamzidivir. Đây là sản phẩm thuốc điều trị ARV đầu tiên được sản xuất trong nước.

Sản phẩm này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các cấp chính quyền, các tổ chức sức khỏe cộng đồng… cho đến các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế vào thời điểm đó.

Năm 2017, công ty đạt sản lượng sản xuất đạt 2,8 tỷ đơn vị/năm. Doanh thu hợp nhất của Liên doanh vượt mức 100 triệu USD. Sau đó, bất chấp mọi thay đổi Liên doanh này vẫn tăng trưởng đều đặn với tỷ lệ 8% hàng năm.

Còn Boston Pharma có trụ sở tại KCN Việt Nam - Singapore, TP Thuận An, Bình Dương, tiền thân là Công ty CP Dược phẩm VITAR, do Tổng Công ty Dược Việt Nam (đại diện là Công ty Dược Trung ương I) và các cổ đông cá nhân có kinh nghiệm, thâm niên trong ngành dược phẩm điều hành.

Sau đó, doanh nghiệp này đã hợp tác cùng với Boston Pharmaceutical Inc USA thành lập Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam (gọi tắt là BOSTON PHARMA), chính thức đổi tên theo nhượng quyền từ Boston Hoa Kỳ.

Boston Pharma hiện sản xuất được 184 loại dược phẩm, công suất vào khoảng một tỷ đơn vị mỗi năm.

Thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top