Cập nhật kinh nghiệm dự phòng bệnh do phế cầu khuẩn gây ra

(khoahocdoisong.vn) - “Hành trình 20 năm của văcxin cộng hợp ngừa phế cầu khuẩn” là hội nghị khoa học do Hội Y học Dự phòng phối hợp với Văn phòng đại diện Pfizer (Thailand) TPHCM tổ chức tại Hà Nội và TPHCM, thu hút sự tham dự của hơn 900 bác sĩ, chuyên gia y tế cùng cập nhật kiến thức và thông tin mới nhất trong lĩnh vực dự phòng các bệnh do phế cầu khuẩn.

Theo đó, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn thường trú trong hầu họng người lớn và trẻ em. Loại vi khuẩn này gây ra 4 loại bệnh nguy hiểm bao gồm: Viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi và viêm tai giữa cấp. Đây là những căn bệnh có thể gây nhiều biến chứng (viêm tai giữa), để lại nhiều di chứng nặng nề ngay cả sau khi hồi phục (viêm màng não, nhiễm trùng huyết), thậm chí dẫn đến tử vong.

Trong các bệnh do loại vi khuẩn trên gây ra, viêm phổi do phế cầu là căn bệnh có tỷ lệ tử vong từ 10 - 20%. Tỷ lệ này thậm chí có thể lên đến 50% ở những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già. Đối với viêm màng não - một căn bệnh khác do phế cầu khuẩn gây ra, bên cạnh tỷ lệ tử vong ở trẻ lên đến 50%, người bệnh còn có thể gánh chịu nhiều di chứng lâu dài như điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém, và bị chứng đau đầu kéo dài…

“Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh, quá trình điều trị thường khó khăn, kéo dài và tốn kém. Vi khuẩn này có nhiều chủng loại lan truyền qua đường hô hấp hoặc từ người bệnh sang người khỏe. Các căn bệnh gây ra bởi phế cầu khuẩn đặc biệt nguy hiểm với nhũ nhi và những người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD), lao phổi, tim mạch, tiểu đường… Vì lẽ đó, tiêm ngừa văcxin là biện pháp khuyến cáo hàng đầu để ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm gây ra bởi phế cầu khuẩn”, GS Ron Dagan, Bệnh viện Đại học Soroka, Beer-Sheva, Israel chia sẻ.

Các kiến thức về bệnh cũng như tác dụng của tiêm phòng, biện pháp dự phòng các bệnh do phế cầu khuẩn đã được nêu ra giúp các bác sĩ có thông tin ứng phó với căn bệnh nguy hiểm này.

Theo Đời sống
back to top