Cấp cứu ngưng thở tại nhà: Tạo cơ hội sống cho trẻ

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều trường hợp trẻ bị ngưng thở do một nguyên nhân nào đó nhưng do không được cấp cứu kịp thời dẫn tới tử vong hoặc dù được đưa đến viện kịp thời nhưng trẻ đã mất não. Trẻ ngưng thở chỉ có khoảng 3 – 5 phút để tái lập hô hấp, do đó cần phải tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ.

Nhận biết một người ngưng thở khi nhìn thấy da tím tái và mất ý thức, quan trọng là không thấy người đó thở, bắt mạch ở cổ tay hoặc cổ không nẩy, tim không thấy đập…Khi xác định trẻ đã ngưng thở phải tiến hành cấp cứu ngay trước khi chuyển đến cơ sở y tế bởi chúng ta chỉ có khoảng 3 – 5 phút cho việc tái lập lại hô hấp, tuần hoàn để giúp tim đập lại, não có oxy vì tình trạng thiếu oxy não chỉ kéo dài trên 5 phút thì tế bào não sẽ chết và không thể hồi phục. Thực tế đã có nhiều trường hợp do không cấp cứu tại chỗ trẻ đã tử vong khi đến viện hoặc tim đập trở lại nhưng trẻ đã mất não.

Khi xác định trẻ ngưng thở, đặt trẻ xuống nền nhà hoặc trên một giường phẳng bằng gỗ hoặc kim loại. Tháo các cúc áo ra hết. Để đầu trẻ ngửa, nâng cằm của trẻ lên. Một tay của người cấp cứu đặt lên trán trẻ và dùng ngón cái và ngón trỏ bóp mũi. Bàn tay còn lại mở miệng trẻ và lấy dị vật trong miệng ra nếu có.

Người cấp cứu lấy hơi thật sâu và gắn chặt môi họ quanh miệng của trẻ rồi thổi 2 hơi đầy và chậm, mỗi hơi từ 1 – 1,5 giây để lồng ngực căng ra. Sau đó rút miệng ra để cho trẻ thở thụ động. Tiến hành thở đều đặn với tần số khoảng 12 lần/phút. Đối với trẻ nhỏ thì phải thận trọng tránh thổi quá mạnh làm tổn thương đường hô hấp, thổi sao cho lồng ngực phình lên và xẹp xuống, cảm nhận khí thoát ra trong khi thở ra. Sau khi thổi hơi qua miệng trẻ được 3 – 5 lần, tiến hành kiểm tra mạch cổ tay hoặc mạch cảnh (cạnh cổ). Nếu không có mạch phải tiến hành song song với xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Đặt gót bàn tay lên một nửa dưới của xương ức (chính giữa ngực), đặt bàn tay này lên bàn tay kia. Sau đó đưa người về phía trước để hai vai hầu như thẳng phía trên ngực của trẻ, cánh tay thẳng. Tạo một áp lực vừa phải thẳng góc xuống dưới làm cho xương ức chuyển động khoảng 3 – 4cm, tốc độ ép từ 80 – 100 lần mỗi phút.

Theo tốc độ này thì mỗi khi ấn tim được 15 lần thì tiến hành thổi miệng – miệng 2 cái. Đối với trẻ quá nhỏ hoặc trẻ sơ sinh, chỉ cần ấn lồng ngực bằng lực của các đầu ngón tay. Việc ấn tim phải rất thận trọng với từng trẻ khác nhau vì lực mạnh quá mức có thể làm gãy xương sườn.

Cứ sau khoảng 4 lần như vậy thì tiến hành kiểm tra xem trẻ có thở lại được chưa, các động mạch có đập lại chưa. Nếu chưa thì tiếp tục tiến hành. Nếu có hai người cùng cấp cứu: Một người thổi và một người ấn tim, tỷ lệ lúc này là 5 lần ấn tim thì một lần thổi ngạt. Trong lúc tiến hành cấp cứu, cần tranh thủ người xung quanh đến hỗ trợ và gọi cấp cứu.

BS Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
back to top