Cấp cứu hồi sinh sốc phản vệ ngay tại phòng mổ

Ngay sau gây mê, tiêm kháng sinh chuẩn bị mổ BN  (BN) bị sốc vệ co thắt khí phế quản, huyết áp tụt không đo được, ngừng tim…. Chỉ trong vài phút nhờ sự ứng phó kịp thời các bác sĩ đã đưa BN  từ cõi chết trở về.
sốc phản vệ

Cấp cứu cho BN  sốc phản vệ.

Xảy ra trong vài giây, chết trong vòng vài phút

PGS.TS. Nguyễn Minh Lý, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một BN nam, 61 tuổi (Hà Nội) bị sốc phản vệ trong khi gây mê. Theo đó, BN có khối u nốt đơn độc thùy giữa phổi phải có chỉ định sinh thiết và phẫu thuật. Kết quả đánh giá phân loại gây mê BN  đạt mức ASA II (BN  có kèm theo bệnh của một cơ quan ở mức độ trung bình – có tiền sử không rõ ràng về dị ứng kháng sinh ampicillin từ lâu nhưng vẫn được dùng kháng sinh đường tiêm nhiều đợt không thấy bất thường).

Ngày 9/7, BN đã được sinh thiết khối u phổi phải, gây mê nội khí quản, sử dụng 2g kháng sinh nhóm cephalosporine thế hệ 3 (biệt dược: Goldcefo), test kháng sinh (-), phẫu thuật thuận lợi, an toàn. Trong 14 ngày sau sinh thiết, BN vẫn được sử dụng kháng sinh điều trị nhóm β- lactam + Quinolone. Nhưng ngày 23/07, BN được chỉ định phẫu cắt thùy giữa phổi phải thường quy. BN lên phòng mổ trong tình trạng tỉnh táo, không khó thở.

Quá trình khởi mê sử dụng: Fentanyl x 0,15mg, Propofol x 90 mg TCI, Atracurium x 40mg. Sau khi BN ngủ, dùng kháng sinh Goldcefo 2g pha 20ml tiêm chậm tĩnh mạch. Ngay sau tiêm được 0,5g kháng sinh Goldcefo, BN xuất hiện ban sẩn cánh tay vùng tiêm thuốc, vùng ngực, co thắt khí phế quản, tăng tiết đờm dãi, tím tái, da vân đá, huyết áp tụt không đo được, nhịp tim rời rạc rồi nhanh chóng ngừng tim. Nhận định bệnh cảnh của sốc phản vệ mức độ nguy kịch.

BS Nguyễn Quang Trường, Trưởng Khoa gây mê hồi sức cho biết, sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Sốc phản vệ xảy ra rất nhanh và hầu như không thể dự báo trước. Sốc phản vệ xảy ra chỉ trong vòng vài giây, nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong trong vòng vài phút.

Trong khi xác định nguyên nhân sốc phản vệ rất khó nhất là trong gây mê, BN được dùng nhiều loại thuốc, việc xác định đâu là chất khởi phát phản ứng phản vệ không dễ dàng. T

uy nhiên, với bất kỳ kháng nguyên nào sốc phản vệ đều phải được cấp cứu và xử trí tích cực mới có khả năng cứu sống người bệnh. Phát hiện sớm, dự đoán nguyên nhân và xử trí đúng phác đồ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả bác sĩ và nhân viên y tế.

Chỉ có xử trí tích cực mới có khả năng cứu sống

Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Lý sốc phản vệ là một dạng phản ứng dị ứng cực kỳ nặng, tác động rất lớn trên cơ thể. Ca lâm sàng sốc phản vệ nguy kịch được cấp cứu thành công do nhận định chính xác tác nhân, triển khai đúng phác đồ và sự chỉ đạo đúng đắn, phối hợp thống nhất của tập thể bác sĩ, điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức.

Ngay khi thấy BN  có biểu hiện sốc phản vệ, kíp gây mê hồi sức lập tức tiến hành cấp cứu theo phác đồ: Ngừng ngay tiêm kháng sinh; Đặt nhanh nội khí quản thở máy với oxy 100%; Tiêm 1mg Adrenalin đường tĩnh mạch, sau đó duy trì bơm tiêm điện liều 0,3 – 1mcg/kg/phút, điều chỉnh liều theo đáp ứng của huyết áp; Cấp cứu hồi sinh tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực tần số 100-120 lần/phút;Tăng tốc độ dịch truyền, Solu medrone 80mg tiêm tĩnh mạch; Hạ đầu thấp.

Nhờ đó, sau khoảng 10 phút, bắt được mạch cảnh, mạch bẹn, dùng máy siêu âm thiết lập được các đường truyền tĩnh mạch trung ương, huyết áp động mạch xâm lấn theo dõi liên tục huyết động, nhịp tim chuyển về nhịp tự động thất rồi nhịp xoang, tần số tim: 100- 120 lần/phút, huyết áp: 120-150/60-70 mmHg, SpO2 99%, EtCO2: 30-35 mmHg, đồng tử 2 bên đều, PXAS (+), duy trì an thần bằng Propofol, lấy máu động mạch xét nghiệm, cân bằng điện giải, kiềm toan.

Theo dõi trên phòng mổ khoảng 1 giờ, BN  được để ống nội khí quản thở máy, duy trì an thần bảo vệ não, chuyển Khoa Hồi sức tích cực tiếp tục điều trị. Tại đây, giảm dần liều vận mạch và dừng sau 12 giờ, rút nội khí quản, sau 14 giờ,  tỉnh táo, không khó thở, huyết động trong giới hạn bình thường, kiểm tra độc tế bào dương tính với Goldcefo, IgE: 1920 UI/ ml.

Các chuyên gia nhấn mạnh, qua ca lâm sàng này cho thấy, bệnh cảnh sốc phản vệ xảy ra do phản ứng phản vệ qua trung gian tế bào IgE khi tiếp xúc lại với dị nguyên. Qua đó, cần hết sức thận trọng trong việc dùng nhiều lần thuốc có khả năng gây dị ứng cũng như hoàn thiện củng cố kỹ thuật xử trí sốc phản vệ cho cán bộ nhân viên y tế thường xuyên và cập nhật để cứu sống BN  khỏi cửa tử sốc phản vệ.

                                                   Thúy Nga

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top