Cao Xuân Dục- một nhà văn hóa lớn

Cao Xuân Dục không chỉ là một quan đại thần của triều Nguyễn, đứng đầu bộ Học và Quốc sử quán, ông còn là một nhà văn hóa lớn, để lại cho đời sau hàng loạt các công trình đồ sộ, có giá trị lớn về học thuật.

Nhà văn hóa Cao Xuân Dục

33 tuổi mới đỗ cử nhân

Cao Xuân Dục, tự là Tử Phát, hiệu Long Cương, người làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông sinh ngày mùng 5 tháng 11 năm Quý Mão (1843).

Xuất thân từ một gia tộc lớn có truyền thống khoa bảng ở Thịnh Mỹ, Cao Xuân Dục là học trò của Nguyễn Đức Đạt, đỗ Tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa thứ nhất) khoa Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức 6 (1853).

Từ nhỏ, Cao Xuân Dục đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, được thầy yêu mến và gả con gái cho. Tuy học giỏi, song cuộc đời thi cử hết sức lận đận, mãi đến tận khoa Bính Tý, Tự Đức 29 (1876), Cao Xuân Dục mới đỗ cử nhân.

Năm sau lại bị đánh hỏng ở khoa thi Hội năm Đinh Sửu (1877) nên buộc lòng phải nhận chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi. Con đường sự nghiệp của Cao Xuân Dục bắt đầu từ đây.

Tháng 4 năm Tự Đức thứ 31 (1878), Cao Xuân Dục được bổ làm Kinh lịch ở Niết ty Quảng Ngãi, rồi đến tháng 9 năm đó nhận chức Tri huyện Bình Sơn. Năm Tự Đức thứ 32 (1879) lại được bổ làm tri huyện Mộ Đức. Đến tháng 4 năm Tự Đức thứ 33 (1880) ông được thăng làm Hàn lâm viện Biên tu.

Tháng 4 năm Tự Đức thứ 34 (1881) Cao Xuân Dục được điều về Kinh làm việc, giữ nguyên hàm tri huyện, làm việc ở bộ Hình, sau đó lại được lĩnh thêm chức Bắc điển ty chủ sự.

Năm Tự Đức thứ 35 (1882), ông tham gia phái bộ do Trần Đình Túc dẫn đầu ra Hà Nội thương thuyết. Cuối năm ấy, Cao Xuân Dục lại được cử làm Tri phủ Ứng Hòa tỉnh Hà Nội.

Xin khắc văn thề trường thi

Tháng 7 năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), Cao Xuân Dục được thăng hàm Hồng lô tự Thiếu khanh, Biện lý bộ Hình và cuối năm được đổi ra làm Án sát Hà Nội.

Năm Hàm Nghi nguyên niên Ất Dậu (1885) khi làm Tuần phủ Thường Tín, Cao Xuân Dục đã đích thân chỉ huy quân giao chiến với “giặc Sậy” (bãi Sậy, giáp giới Bắc Ninh- Hưng Yên) thu được thắng lợi cùng nhiều vũ khí. Nhân việc này, Cao Xuân Dục được nghị thưởng kỷ lục quân công hai bậc và sau đó được gia thưởng một chiếc Kim khánh có chữ “Nhung Công”, có tua buông xuống.

Năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), Cao Xuân Dục được phong Quang lộc Tự khanh, lĩnh Bố chánh Hà Nội, thăng thụ Thị lang, sang Hải Phòng sứ.

Năm Thành Thái nguyên niên (1889), Cao Xuân Dục nhận chức Tán lý quân vụ, theo Khâm sai Đại thần Hoàng Cao Khải đàn áp các nhóm nghĩa quân chống Pháp ở vùng Hải Dương.

Tuy vậy, ông không dùng hành động quân sự mà với thái độ mềm mỏng để thu phục nghĩa quân, đêm ngày 12/8/1889, Cao Xuân Dục đã dụ hàng được Đốc Tứ và Đốc Lạng cùng nhiều nghĩa quân. Sau đó, ông được vua Thành Thái thăng chức Tuần phủ Hưng Yên, ban thưởng một đồng Phi Long đại hạng kim tiền, một chiếc áo bát tỷ ống hẹp màu xanh, 1 chiếc quần sa tanh màu đỏ.

Năm Thành Thái thứ 2 (1890), Cao Xuân Dục lĩnh chức Tổng đốc Định- Ninh, xung hàm Thượng tá nha Kinh lược Bắc kỳ.

Cuối năm đó, ông được bổ làm Tổng đốc Sơn- Hưng- Tuyên. Tháng 9 năm Tân Mão (1891), Tổng đốc Sơn- Hưng- Tuyên Cao Xuân Dục xin ban khắc văn thề trường thi để sĩ tử tuân hành.

(còn nữa)

Dương Tuấn

Theo Đời sống
Dấu hiệu lạ từ lỗ đen quái vật của Ngân Hà

Dấu hiệu lạ từ lỗ đen quái vật của Ngân Hà

Sagittarius A* là lỗ đen quái vật nằm ở trung tâm Milky Way (Ngân Hà), là thiên hà mà Trái Đất trú ngụ. Những hình ảnh mới chụp được bởi Kính thiên văn Event Horizon (EHT) đã hé lộ một bức tranh mới về lỗ đen này.
Nọc độc rắn hổ nguy hiểm thế nào?

Nọc độc rắn hổ nguy hiểm thế nào?

Nọc độc của rắn hổ đã không hề thay đổi trong hơn 10 triệu năm. Nguyên nhân là loại độc này nhắm đến prothrombin, một protein giúp đông máu và đóng vai trò quan trọng trong cơ thể sinh vật.
back to top