Cạnh tranh số hóa giữa các ngân hàng

(khoahocdoisong.vn) - Ngân hàng số là cơ hội để các nhà băng gia tăng doanh thu, năng suất, tiết kiệm chi phí và tiếp cận thị trường khách hàng đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Công nghệ là nền tảng cho lợi thế cạnh tranh mới

Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá ngành Ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào quản lý, kinh doanh. Công nghệ được xem là nền tảng cho lợi thế cạnh tranh mới khi kinh tế số phát triển, thúc đẩy xu hướng thanh toán điện tử tăng nhanh.

Nắm bắt được cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ và ứng dụng một số công nghệ, giải pháp mới như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học... để tạo ra một số dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số; đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro…

Ở góc nhìn của một nhà quản trị ngân hàng, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đánh giá ngân hàng số không chỉ giúp ích cho khách hàng mà còn giúp ngân hàng đơn giản hoá các quy trình, thủ tục, giấy tờ.

Ông Nguyễn Văn Lê lấy ví dụ một quy trình về soạn thảo hồ sơ cấp tín dụng trước đây mất ba tuần, giờ với sự hỗ trợ và có thuật toán điền sẵn của máy tính thì chỉ còn mất khoảng… chục phút, tính cả công rà soát lại.

Theo ông Lê, việc ứng dụng công nghệ số giúp thời gian thực hiện công việc giảm đi đáng kể, nâng cao năng suất lao động của nhiều đơn vị. Thêm vào đó, việc trao đổi giữa các đơn vị cũng tốt hơn, nhanh hơn; đồng thời các đơn vị khác cũng có thể xem phần thảo luận này để học hỏi kinh nghiệm, tránh tình trạng một đơn vị đặt nhiều câu hỏi trùng lặp, cũng như nâng cao tính minh bạch.

Bên cạnh đó, việc số hóa còn giúp tính bảo mật, an toàn thông tin của ngân hàng được nâng cao hơn so với kiểu giấy tờ truyền thống. “Ngoài ra, giảm khâu thủ tục giấy tờ nội bộ cũng tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho ngân hàng”, ông Nguyễn Văn Lê cho biết.

Cũng đề cao sự tiết kiệm về mặt thời gian, lãnh đạo một ngân hàng tư nhân lớn đang đầu tư mạnh vào mảng ngân hàng số cho hay trong giai đoạn thử nghiệm, ngân hàng này chỉ mất 1 tiếng để phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng, trong khi trước đây chuyên viên quan hệ khách hàng phải gọi điện cho khách hàng, tư vấn, nói chuyện… mất tới 1 tuần mới phát hành được thẻ.

Vị này nhấn mạnh cái quý giá nhất đối với ngân hàng số là các thông tin giao dịch của khách hàng. Ví dụ, khi biết được thói quen tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng, sở thích tiêu dùng… của khách hàng thì ngân hàng sẽ hiểu khách hàng hơn, từ đó có thể ngay lập tức đưa ra hạn mức thẻ tín dụng phù hợp. Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Triển khai ngân hàng số không dễ!

Mặc dù lợi ích rất nhiều, tuy nhiên, triển khai ngân hàng số không dễ.

Theo Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê, muốn triển khai các dịch vụ, tiện ích công nghệ số mới giống như việc cất nóc nhà, đó chỉ là phần nổi cuối cùng mà một đơn vị công nghệ thông tin của ngân hàng cần thực hiện.

Nói ngân hàng số thì nghe rất hay, nhưng để làm được thì trước hết phải xây mới rất nhiều, thậm chí thay thế toàn bộ hạ tầng kỹ thuật công nghệ. Các ngân hàng tồn tại càng lâu thì càng gặp khó khăn vì nền tảng cũ xây dựng hàng loạt theo năm tháng trước đây còn rất nhiều và ngày càng lạc hậu theo thời gian”, người đứng đầu ban điều hành SHB chia sẻ.

Ông Lê nhấn mạnh, việc xây mới đòi hỏi năng lực tài chính của ngân hàng thương mại, nguồn nhân lực luôn học hỏi để bắt kịp xu hướng công nghệ mới.

Một điểm khó khác khi triển khai ngân hàng số là độ dày của dữ liệu khách hàng. Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng tư nhân tầm cỡ tại TPHCM “tâm sự” rằng, mặc dù ngân hàng rất mong muốn triển khai ngân hàng số nhưng gặp khó do tương tác giữa khách hàng và ngân hàng (use case) chưa nhiều, chưa thường xuyên.

Do đó, định hướng sắp tới của ngân hàng này là tăng cường hợp tác với các đối tác có tệp khách hàng phù hợp hoặc có các giải pháp bổ sung cho nhau để tăng tương tác giữa khách hàng với ngân hàng.

Năm nay, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chọn thông điệp cho bảng xếp hạng Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín là “Chiến lược dẫn đầu trong chuyển đổi số và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

SHB là một trong những ngân hàng nhiều năm liên tiếp được vinh danh trong Top 10 ngân hàng Việt Nam uy tín. Điều này không lạ, bởi trong số các ngân hàng hiện nay, ngân hàng này là một trong những cái tên tích cực nhất trong “cuộc đua” chuyển đổi số.

Từ cuối năm 2018, SHB đã có chiến lược về chuyển đổi số với sự tư vấn của hãng công nghệ hàng đầu thế giới - IBM với hành trình 5 năm từ 2019 đến 2023.

Lãnh đạo SHB cho biết ngân hàng này sẽ triển khai hàng loạt dự án với tiêu chí lấy khách hàng làm trọng tâm và giảm chi phí hoạt động, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bền vững.

Một số dự án có thể kể đến như dự án Hệ thống Quan hệ khách hàng (CRM). SHB đặt mục tiêu năm 2019, bằng các thiết bị di động cá nhân, cán bộ bán hàng của SHB có đầy đủ các thông tin của khách hàng, từ đó, hiểu khách hàng hơn, từ đó tư vấn, hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Hay như dự án tăng trải nghiệm của khách hàng trong quá trình sử dụng kênh online (Internet Banking và Mobile Banking) với việc tích hợp các công nghệ hiện đại như Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning), Chatbot…

Ngân hàng này cũng dự tính xây dựng Hệ thống Kho dữ liệu tập trung (DW-BI), hỗ trợ trong việc lưu, phân tích dữ liệu và hệ thống phân tích thông minh giúp quản trị nội bộ cũng như xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.

Tựu chung, trong vòng 5 năm, SHB sẽ tập trung triển khai các dự án theo các nhóm lĩnh vực Hướng tới khách hàng (Customer Centricity), Dữ liệu lớn (Big Data), Số hóa (Digital), Tối ưu hóa quy trình (Process Optimization), Hạ tầng công nghệ (Technology), Mô hình quản trị Công nghệ thông tin (IT Operating model).

Bên cạnh SHB, không thể không kể đến một số ngân hàng khác tích cực trong chuyển đổi số là TPBank, Techcombank và VPBank. Cuối năm 2015, Techcombank đã bắt đầu hành trình chuyển đổi chiến lược 5 năm với một trong những trọng tâm là mảng thanh toán – nền tảng quan trọng của ngân hàng số. Với VPBank, từ năm 2016, ngân hàng này đã ra mắt dịch vụ ngân hàng số Timo và đến năm 2018 đã chính thức ra mắt ngân hàng số YOLO.

Trong khi đó,  lãnh đạo của TPBank cho rằng, thay vì tập trung mở rộng mạng lưới như mô hình ngân hàng truyền thống mà đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, nhân sự và chi phí vận hành tăng cao, trong khi độ trễ cho sinh lời kéo dài, thì ngân hàng này đẩy mũi nhọn ngân hàng số với chi phí so sánh thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn, đặc biệt là trong nắm bắt xu hướng các nhu cầu trên thị trường.

Theo Đời sống
back to top