Cảnh giác với thiếu máu não ở mọi lứa tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Não là cơ quan quan trọng của cơ thể, vì vậy thiếu máu não sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và nhất là với hệ thần kinh trung ương. Nếu ngừng tuần hoàn não từ 6- 7 giây sẽ bị ngất, ngừng 40-110 giây sẽ bị mất các phản xạ, ngừng 5 phút tế bào não sẽ chết, không hồi phục. Biến chứng của thiếu máu não là nhũn não, xuất huyết não gây liệt nửa người hoặc chết đột ngột. Thiếu máu não xảy ra ở nhiều lứa tuổi, ở tất cả các giới tính và cả người lao động chân tay lẫn

Càng nhiều bệnh mãn tính càng dễ thiếu máu não

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu máu não hay thiểu năng tuần hoàn não là trạng thái nhất thời, xảy ra đột ngột do các thiếu sót về chức năng thần kinh, thường hồi phục hoàn toàn sau 24 giờ và có xu hướng lặp lại nhiều lần.

PGS.TS Nguyễn Minh Hiện, Trưởng khoa Đột quỵ não, BV Quân y 103 cho biết, não được nuôi dưỡng bởi hai hệ động mạch chính là hệ động mạch cảnh ở phía trước chi phối toàn bộ phần lớn bán cầu đại não và hệ động mạch đốt sống thân nền ở phía sau. Hệ động mạch cảnh có khả năng bù trừ tương đối tốt, ít có biểu hiện triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não hệ cảnh. Các triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não hay gặp biểu hiện của hệ động mạch đốt sống thân nền vì cung lượng máu đến động mạch đốt sống chỉ bằng 10% cung lượng máu đến động mạch cảnh và vận tốc lưu thông ở đây cũng kém hơn.

Thiểu năng tuần hoàn não xuất phát từ hệ động mạch đốt sống thân nền  rất phổ biến. Nguyên nhân hay gặp nhất là do vữa xơ động mạch, thoái hoá cột sống cổ, gai đốt sống gây chèn ép động mạch đốt sống. Bệnh xuất hiện ở người trẻ lẫn già, đặc biệt là ở những người mắc nhiều bệnh mãn tính không lây cùng lúc như cao huyết áp, tiểu đường, tăng homosystein máu, tăng mỡ máu, nghiện rượu, béo phì, hút thuốc lá, dùng thuốc tránh thai... ở những đối tượng này dễ có nguy cơ dẫn đến các rối loạn về mạch máu não.

Những triệu chứng thiếu máu thoáng qua

BS.TS Đại tá Vũ Thị Khánh Vân, nguyên chủ nhiệm khoa A9, Viện Y học cổ truyền quân đội cho biết, bình thường não tiếp nhận chừng 15% cung lượng tim (50 ml máu/100g não/phút) và sử dụng 25% tổng lượng oxy cung cấp cho cơ thể, do đó có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu não: Xơ mỡ động mạch làm hẹp lòng ống để chứa máu và vận chuyển (nguyên nhân chính chiếm 60 - 80%); Dị dạng bẩm sinh hay u, sùi, bóc tách thành mạch làm hẹp lòng mạch; Các cục máu đông gây cản trở dòng tuần hoàn máu; Thoái hóa, vôi hóa đốt sống cổ làm đè ép vào mạch máu vốn đi chui trong lòng chúng; Các chèn ép từ bên ngoài vào thành động mạch...

Khi thiếu máu não biểu hiện của bệnh thường diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài giây hay đôi khi kéo dài hơn đến vài giờ. Các triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào sự thiếu máu của động mạch não nhưng thường thấy nhất là trạng thái không ý thức tạm thời, chóng mặt, rối loạn thăng bằng, mù tạm thời một bên mắt, liệt nhẹ nửa người, rối loạn cảm giác, nói khó, rối loạn ngôn ngữ tạm thời.

Đối phó với những dấu hiệu đầu tiên của bệnh

Khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh nên đến bệnh viện khám để xác định rõ. Các xét nghiệm cần làm như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ não, chụp động mạch não, điện tim, siêu âm tim, siêu âm hệ thống mạch cảnh; Xét nghiệm cơ bản đánh giá các yếu tố nguy cơ, định lượng lipid máu, đường máu, công thức máu, kiểm tra huyết áp sẽ phát hiện chính xác bệnh.

Điều trị các bệnh được phát hiện trong quá trình khám hoặc các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não trong tương lai xa hoặc trước mắt như: Hẹp mạch cảnh không triệu chứng, phồng dãn chít hẹp động mạch não... bằng các kỹ thuật hiện đại. Đích quan trọng nhất là can thiệp vào mạch máu bị bệnh để mở thông lòng mạch bị hẹp - tắc để phục hồi lưu lượng máu nuôi não (các kỹ thuật tái tưới máu não). Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ hướng đến điều trị nội khoa với các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, chống kết tập tiểu cầu, hạ lipid máu nhóm statin và các yếu tố nguy cơ khác như tiểu đường, tăng huyết áp…

Ăn uống khoa học đẩy lùi thiếu máu não

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn uống khoa học sẽ cung cấp đầy đủ các nguyên liệu tạo máu như ưu tiên bổ sung các nguyên tố vi lượng protein, vitamin, sắt. Để cải thiện chất lượng máu cần bổ sung một lượng thích hợp các loại thịt, gan, trứng, sữa, vừng…Theo các chuyên gia, sắt trong cơ thể có vai trò rất quan trọng vì đây là yếu tố cần thiết để tạo hồng cầu. Sắt có nhiệm vụ vận chuyển oxy và CO2 trong quá trình hô hấp, có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não. Sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, sắt giúp biến đổi betacaroten thành vitamin A, giúp tạo colagen (giúp gắn kết các mô cơ thể).

Nếu sắt không được cung cấp đủ sẽ đưa đến thiếu máu thiếu sắt. Ở người trưởng thành, lượng sắt cần khoảng 3.500 mg-4.000 mg. Hàm lượng sắt cao ở trong thực phẩm huyết lợn, gan lợn, sò biển, đậu nành. Nếu thiếu máu ác tính thì có thể chọn thực phẩm có vitamin như gan, trứng, thịt gà, các loại đậu, cà chua, quýt… Khi dùng món ăn có nhiều chất sắt thì không nên ăn cùng với các loại thực phẩm như rau dền, măng, trà đặc. Không ăn đồ ăn lạnh, đồ ăn cứng khó tiêu hóa, nhiều chất béo. Không uống rượu, cà phê, trà đặc, hút thuốc… Chế độ dinh dưỡng luôn song hành với luyện tập. Người bệnh cần tập luyện thể lực thường xuyên như yoga, dưỡng sinh giúp tăng cường khả năng điều hòa, tự bù đắp của cơ thể và góp phần giảm bớt sự hẹp lòng mạch do xơ mỡ hay các cục vón tắc.

Xuân Hoài

Theo Đời sống
back to top