Canh đương quy bổ huyết phục hồi sức khỏe sau ốm

(khoahocdoisong.vn) - Đương quy được gọi là “dược vương” (vua của thuốc) có tác dụng bổ huyết điều kinh, giảm đau, nhuận tràng, thông tiện... nên rất tốt làm thực phẩm và thuốc để bồi bổ cơ thể, phục hồi sức khỏe sau đẻ và ốm.

Đương quy được coi là loại thuốc bổ quý có công dụng rộng, hiệu quả tốt, đặc biệt để bổ huyết điều kinh, nên còn được gọi là “phụ khoa thần dược”. Người ta thường dùng đương quy để chữa các chứng phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng khi thấy kinh, hay thiếu máu, xanh xao, chân tay đau nhức...

Theo Đông y, đương quy có vị ngọt, hơi cay, mùi thơm, tính ôn; quy vào 3 kinh: Tâm, Can, Tỳ. Mỗi bộ phận cây đương quy đều có tác dụng chữa bệnh: quy đầu có tác dụng chỉ huyết, quy thân có tác dụng bổ huyết, quy vĩ có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, còn khi dùng toàn quy lại có tác dụng hòa huyết, vừa bổ huyết vừa hoạt huyết; ngoài ra còn có tác dụng nhuận táo, thông kinh, chỉ thống.

Canh đương quy thịt cừu: Đương quy 30g, thịt cừu 500g, gừng tươi 30g. Thịt cừu bỏ xương, cắt bỏ gân, chần vào trong nồi nước sôi cho hết nước tiết, vớt ra để nguội thái thành miếng dài 5cm, rộng 2cm, dày 1cm. Cho nước sạch vào trong nồi đất, thả thịt cừu, đương quy, gừng tươi vào, dùng lửa to đun sôi, vớt bọt, hạ nửa nhỏ hầm đến khi thịt cừu chín nhừ, nêm đủ gia vị, ăn thịt uống canh. Thích hợp dùng cho những người dương hư sợ lạnh.

Gà hầm đương quy: Gà 1 con, đương quy 15g, cẩu kỷ tử 15g, hà thủ ô đã chế biến 15g. Gà mổ, rửa sạch, cho vào nồi đun cùng với những vị thuốc trên, sau khi chín cho gia vị, ăn thịt uống canh. Dùng cho những người âm huyết bất túc, váng đầu hoa mắt, tóc bạc sớm...

Canh thịt, hoàng hoa, đương quy: Thân đương quy 15g, hoàng hoa 15g, thịt lợn nạc vừa đủ. Ba vị trên nấu cùng thành canh, khi chín cho gia vị, ăn thịt uống canh. Dùng cho những người huyết hư bế kinh, cơ thể suy nhược.

Ba ba hầm đương quy: Đương quy 100g, ba ba 1500g, thịt lợn 50g, măng 20g, hành, gừng, tỏi mỗi loại 10g. Làm thịt ba ba, rửa sạch, bỏ ruột, chặt miếng bỏ vào nồi. Đương quy đựng trong túi vải thưa, buộc miệng cho vào nồi cùng với thịt lợn, măng, hành, gừng, tỏi, hầm nhừ, bỏ đương quy. Vớt thịt lợn và ba ba ra, khi sắp ăn hấp nóng. Dùng nước hầm nêm gia vị cho vừa ăn, cho thêm bột cho sánh, tưới lên trên thịt lợn và ba ba, ăn thịt uống nước. Dùng cho người gan thận âm hư.

Canh đương quy hầm đuôi bò: Đuôi bò 1 cái, đương quy 200g, gia vị vừa đủ. Rửa sạch đương quy, cắt khúc. Đuôi bò cạo bỏ lông, rửa sạch, chặt đoạn nhỏ, nấu đến khi đuôi bò gần mềm thì cho đương quy vào hầm đến khi đương quy chín nhừ, nêm gia vị vừa ăn. Công dụng: Dưỡng tâm ích thận, cường gân tráng cốt, thích hợp với chứng liệt dương, thận hư đau lưng, kèm theo lưng gối mỏi mệt, vô lực, sợ lạnh.

Tim heo hầm đương quy: Tim heo 1 quả, đương quy 100g, đẳng sâm 20g, rượu, gừng, hành, gia vị vừa đủ. Tim heo tách đôi, trụng qua nước sôi để loại sạch huyết tương và mùi tanh, để ráo, khứa ngang thành nhiều phiến. Đương quy và đẳng sâm rửa sạch rồi nhồi vào bên trong quả tim heo, dùng tăm tre cố định lại. Đặt tim heo vào nồi đất, bên trên rắc gừng, hành, tỏi, đổ rượu vào, đem chưng cách thủy cho đến khi tim heo chín mềm, vớt xác thuốc ra, nêm gia vị cho thấm đều. Công dụng: Dưỡng tâm an thần, trị bệnh mất ngủ, rất hữu ích với những người lao động trí óc

Cá nấu đương quy: Cá 1 con, đương quy 100g, gia vị vừa đủ. Mổ bụng cá, moi hết ruột gan, nhồi đương quy đã thái lát vào bụng cá, nấu cho đến khi đương quy mềm, cho gia vị rất nhẹ như muối, tiêu, xì dầu tùy ý, nhưng không nên cho hương liệu khác đạm quá, sẽ át mất mùi thơm của đương quy và vị ngọt tự nhiên của cá. Công dụng: Ích não dưỡng khí, bồi bổ cơ thể.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top