Canh cháo bồi bổ giúp gãy xương mau lành

(khoahocdoisong.vn) - Một trong những nguyên tắc điều trị gãy xương cơ bản của Đông y là tuân thủ quan điểm chỉnh thể và điều trị có tính tổng hợp.

Ngoài việc tiến hành các thủ thuật kéo nắn, cố định, tập luyện, châm cứu...còn phải sử dụng thuốc tích cực và hợp lý, trong đó có một biện pháp rất độc đáo là vận dụng các món ăn - bài thuốc nhằm mục đích điều trị hỗ trợ.

Gãy xương là tình trạng bệnh lý chấn thương thường gặp, trong Đông y được gọi là “cốt chiết”. Trên cơ sở nền tảng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn có tính đặc thù, các biện pháp điều trị gãy xương của Đông y và Tây y cũng có những điểm khác biệt. Tuy nhiên, mục đích cuối cũng của cả hai phương pháp là hoàn toàn thống nhất: Làm cho xương liền nhanh và đúng vị trí, phục hồi tốt chức năng hoạt động của xương gãy và cải thiện sức khoẻ toàn thân.

Trong kho tàng y học cổ truyền phương Đông, món cháo thuốc đã lưu truyền trong dân gian hàng nghìn năm nay, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phục hồi xương cốt, tăng tuổi thọ...

Cháo xích tiểu đậu + đại táo: Ý dĩ 50g, xích tiểu đậu 100g, đại táo 50g. Tất cả đem ninh nhừ, chế thêm đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho tất cả các giai đoạn, kể cả khi đã bỏ các phương tiện cố định nhưng tại chỗ vẫn sưng nề. Cũng có thể dùng xích tiểu đậu 100g tẩm với 1 chén giấm chua rồi đun chín, đem phơi khô, sau đó lại ngâm tẩm với một lượng rượu gạo thích hợp rồi lại đem phơi khô, tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3 - 6g.

Sườn lợn hầm bí đao: Bí đao 150g, xương sườn lợn 100g. Đem xương sườn hầm nhừ, gạt bỏ váng mỡ rồi cho bí đao, hành và gia vị vào nấu thành canh ăn. Dùng cho trường hợp gãy xương tại chỗ sưng nề nhiều.

Cá diếc hầm gừng: Cá diếc 250g, gừng tươi 3 lát, hành 2 củ, hạt tiêu 7 hạt. Cá làm sạch, cho tất cả gia vị vào trong bụng cá rồi đem hầm thật nhừ, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng thích hợp cho giai đoạn muộn, chi thể chậm bớt nề, hoạt động khó khăn.

Cháo nếp cẩm + hoàng kỳ: Hoàng kỳ 30g sắc kỹ lấy nước nấu với 100g gạo nếp cẩm và 50g đại táo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng thích hợp cho người bị gãy xương có thể chất suy nhược, ăn kém, xương chậm liền.

Cháo chim sẻ: Chim sẻ 3 con làm sạch, lọc thịt băm nhỏ rồi xào chín với một chút rượu, xương chim thì hầm kỹ với 10g thỏ ty tử, 10g phúc bồn tử và 10g kỷ tử rồi lọc lấy nước ninh cùng 100g gạo tẻ thành cháo, cho thịt chim vào và chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng rất tốt cho các trường hợp gãy xương giai đoạn muộn, hay hoa mắt chóng mặt, ù tai, ăn kém, mất ngủ...

Gà hầm tam thất: Gà sống đen 1 con chừng 500g, tam thất 5g thái phiến. Gà làm thịt, cho tam thất vào trong bụng cùng với một chút rượu nguyên chất rồi đem hầm cách thuỷ, ăn trong ngày. Dùng để bồi bổ, làm mạnh cơ bắp, giúp xương liền nhanh.

Các món dược thiện nói trên nhìn chung đều đơn giản, dễ chế, dễ dùng. Các dược liệu có thể tìm mua ở những cơ sở Đông y dược có giấy phép hành nghề. Để đạt được hiệu quả như mong muốn cần chú ý chế biến đúng phương pháp và kiên trì khi sử dụng.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top