Cảnh báo ô nhiễm PFAS tại Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - PFAS là một nhóm lớn gồm hơn 4.500 hóa chất flo hóa liên tục đang có mặt ở khắp nơi trong môi trường, tích tụ trong sữa mẹ, hải sản như cá, tôm, nguồn nước và thực phẩm.

Chất độc có ở khắp nơi

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) vừa công bố Báo cáo Thông tin về PFAS tại Việt Nam trong 5 năm 2012-2018 do PanNature thực hiện. Báo cáo khảo sát cho thấy các hợp chất PFAS tại Việt Nam phần lớn không được kiểm soát; nhiều phụ nữ Việt Nam bị nhiễm PFAS; ô nhiễm PFAS trong nước rất phổ biến; và nhiều loại hải sản ở vùng biển Việt Nam bị nhiễm PFAS.

PFAS là hợp chất hóa học có trong vô số các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như nồi, chảo chống dính; túi, bao bì đựng thực phẩm; thịt chế biến sẵn; quần áo; bọt chữa cháy... và đặc biệt là trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. PFAS cũng là hợp chất hóa học được chứng minh là có liên quan đến nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, vô sinh. Kết quả khảo sát cho thấy các hợp chất PFAS tại Việt Nam phần lớn không được kiểm soát; máu người, sữa mẹ của nhiều phụ nữ Việt Nam có chứa PFAS; nhiều khu vực nước mặt của Việt Nam và hải sản ở vùng biển Việt Nam bị nhiễm PFAS. Việc sản xuất và sử dụng PFAS trong vô số sản phẩm tiêu dùng hàng ngày đã gây ra tình trạng ô nhiễm PFAS trên diện rộng.

PFAS là một nhóm lớn gồm hơn 4.500 hóa chất flo hóa liên tục. PFAS là chất kị nước và không hòa tan trong lipid hoặc các dung môi không phân cực trong tự nhiên, cực kỳ bền bỉ do sức mạnh của liên kết carbon-fluor. Chúng phân bố rộng rãi ở khắp mọi nơi do độ hòa tan trong nước cao. Con người tiếp xúc với PFAS chủ yếu là do ăn phải thực phẩm hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Các chất này gây ra các khối u trong các nghiên cứu trên động vật cùng với một loạt các tác động khác lên hệ thống nội tiết, tăng cholesterol máu và ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp.

Phụ nữ ở các thành phố lớn nhiễm độc nhiều hơn

Báo cáo chỉ ra rằng, phụ nữ tại Hà Nội và TPHCM bị nhiễm đáng kể các hợp chất PFAS. Các nhà nghiên cứu phát hiện PFOS, PFOA và PFHxS trong máu của hơn 98% phụ nữ Việt Nam mới sinh con, tương tự mức độ ghi nhận được ở Hoa Kỳ. Mức độ nhiễm các hợp chất PFAS cao hơn ở một khu vực ven biển đô thị (thành phố Nha Trang) so với khu vực nội địa nông thôn (huyện Diên Khánh). Một nghiên cứu trước đó cũng tìm thấy PFOS và PFOA trong máu của phụ nữ sống ở Hà Nội với mức độ tương đương với những ghi nhận tại Osaka, Seoul và Busan.

Năm 2008, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu định lượng PFAS trong sữa các bà mẹ cho con bú ở Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Kết quả cho thấy, sữa tất cả phụ nữ đang cho con bú được lấy mẫu từ Việt Nam đều chứa PFOS và 75% trong số đó có chứa PFHxS - một chất độc hại mà các ngành công nghiệp dùng để thay thế cho PFOS. Nghiên cứu cũng cho thấy mức độ ô nhiễm đáng kể các hợp chất PFAS khác như PFOA, PFHxS, PFBS và PFHpA.   

Trung tâm Con người và Thiên nhiên đưa ra khuyến nghị để ngăn ngừa ô nhiễm PFAS và khắc phục hậu quả tốn kém sau đó, Việt Nam cần nhanh chóng kiểm kê kho dự trữ bọt chữa cháy và thay thế lượng bọt có chứa PFAS bằng bọt không chứa fluoride càng sớm càng tốt. Các quy định và hướng dẫn của Luật Hóa chất cần tính đến các phát hiện và khuyến nghị khoa học cập nhật về PFAS.

Theo Đời sống
back to top