Cảnh báo nắng nóng và hạn hán kỷ lục ở miền Trung

(khoahocdoisong.vn) - Trong khi lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở miền núi phía Bắc thì ở Trung Bộ, tình trạng nắng nóng kéo dài kèm theo hạn hán ở mức kỷ lục đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trên toàn bộ các tỉnh ven biển Trung Bộ trong thời kỳ 10 ngày qua phổ biến ít mưa, nắng nóng kéo dài; trong đó ở các tỉnh từ Thanh Hóa vào đến Quảng Trị có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi xuất hiện nắng nóng đặc biệt gay gắt. Từ ngày 11 - 20/7, mực nước thượng nguồn các sông ở Thanh Hoá có dao động nhỏ, hạ lưu và các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm. Trên một số sông đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ.

Từ nay đến ngày 31/7, toàn khu vực miền Trung thời tiết nắng nhiều, mưa giông chủ yếu chỉ xuất hiện cục bộ vài nơi vào chiều tối và đêm; riêng ở các tỉnh phía nam từ Khánh Hòa và đến Bình Thuận khả năng trong thời kỳ ngày 23 - 25/7 và 29 - 30/7 vào chiều tối có mưa giông diện rải rác. Trạng thái nắng nóng tập trung nhiều ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và tiếp tục kéo dài trong những ngày tới; trong đó các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nắng nóng gay gắt. Khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ mức độ nắng nóng giảm bớt và tập trung chính ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên; các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có mức nắng vừa phải.

Tổng lượng mưa các tỉnh ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với TBNN khoảng 20 - 50%. Trong tuần tới, mực nước thượng lưu các sông ở Trung Bộ có dao động, hạ lưu biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 45 - 70%, một số sông thấp hơn trên 75%; riêng sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Cái Nha Trang và các sông ở Bình Thuận ở mức xấp xỉ TBNN và cao hơn TBNN từ 10 - 30%.Tình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ có xu hướng tiếp tục lan rộng và đặc biệt nghiêm trọng hơn ở ngoài vùng cấp nước của các công trình thuỷ lợi.

Theo Đời sống
back to top