Cảnh báo dịch hạch xuất hiện

(khoahocdoisong.vn) - Dịch hạch đã xuất hiện tại 3 địa điểm ở khu tự trị Nội Mông Cổ của Trung Quốc. Mặc dù đã được loại trừ từ lâu, nhưng dịch hạch cũng có thể xâm nhập vào nội địa qua chuột và bọ chét chuột, nhất là khi nhiều dịch bệnh đang diễn tiến bất thường.

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm gây nên do nhiễm vi khuẩn Yersinia pestis, bệnh có thể diễn biến cấp tính với tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân rất nguy kịch. Người nhiễm vi khuẩn gây bệnh từ các loại động vật gặm nhấm như thỏ, chuột... qua trung gian truyền bệnh là bọ chét nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, bọ chét Xenopsylla cheopis là trung gian truyền bệnh chính, chúng sống ký sinh chủ yếu trên chuột.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dịch hạch bao gồm những người sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng, không bảo đảm vấn đề vệ sinh (Ảnh minh họa).

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dịch hạch bao gồm những người sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng, không bảo đảm vấn đề vệ sinh (Ảnh minh họa).

Thời tiết hanh khô rất phù hợp với sự phát triển của chuột và bọ chét chuột nên bệnh dịch hạnh có điều kiện bùng phát mạnh trong thời điểm này nhưng vào khoảng thời gian khác trong năm bệnh cũng được ghi nhận. Bệnh dịch hạch vẫn lưu hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người mắc bệnh dịch hạch có thể thu được miễn dịch sau khi khỏi bệnh nhưng khả năng miễn dịch chỉ tương đối, không bảo vệ được trước sự tấn công của một số lượng lớn vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Bệnh dịch hạch có thể lây nhiễm theo các đường khác nhau, trong đó qua trung gian của bọ chét chuột khá phổ biến. Bệnh cũng có thể lây nhiễm trực tiếp mà không cần có sự hiện diện của trung gian truyền bệnh là bọ chét như qua đường hô hấp khi hít phải vi khuẩn dịch hạch có mặt trong không khí do tiếp xúc với người bệnh dịch hạch thể phổi hoặc người chết vì bệnh dịch hạch.

Trên thực tế, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dịch hạch bao gồm những người sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng, không bảo đảm vệ sinh; sống trong các khu vực có bệnh dịch hạch lưu hành, thường xuyên tiếp xúc với các loài động vật gặm nhấm như thỏ, chuột...; có sức đề kháng của cơ thể suy kém...

Trên lâm sàng, triệu chứng bệnh lý biểu hiện tùy theo thể bệnh đã mắc đã nêu ở trên như thể hạch, thể phổi, thể nhiễm khuẩn huyết, thể da. Khi khởi phát, người bệnh có biểu hiện triệu chứng đột ngột như cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao, rét run, đau nhức khắp người, đau nhiều ở vị trí sắp sưng hạch; thậm chí xuất hiện tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, mạch nhanh, hạ huyết áp; khó thở, thở nhanh và cạn, ho nhiều, có đờm và máu, đờm chứa nhiều vi khuẩn.

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm có thể gây nguy hiểm dẫn đến tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn. Nếu được phát hiện và chẩn đoán xác định sớm thì bệnh có thể điều trị bằng các loại kháng sinh thông thường có sẵn.

Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh đặc hiệu theo chỉ định của bác sĩ, cần kết hợp với điều trị nâng đỡ toàn trạng truyền dịch bù nước và điện giải, điều chỉnh rối loạn kiềm toan; dùng thuốc trợ tim mạch, hạ sốt, an thần. Cần tiến hành hồi sức tích cực khi bệnh nhân có các biểu hiện của triệu chứng choáng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, xuất huyết... Đồng thời phải nâng cao sức đề kháng bằng việc cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp, có nhiều vitamin và khoáng chất...

Bệnh dịch hạch có thể phòng ngừa bằng cách chủ động thực hiện các biện pháp phối hợp đồng bộ để diệt chuột và diệt bọ chét chuột là trung gian truyền bệnh. Cần tổ chức cho cộng động tham gia diệt chuột mỗi năm từ một đến hai lần tương ứng vào các thời gian sinh sản của chuột để làm giảm mật độ chuột hoạt động; như vệ sinh môi trường, đặt bẫy chuột, nuôi mèo bắt chuột, phá vỡ các hang ổ chuột...

Ngoài ra phải bố trí, sắp xếp hàng hóa, lương thực, thực phẩm gọn gàng, ngăn nắp, hợp lý để hạn chế chuột đột nhập, xâm hại, trú ẩn phá hoại và gây bệnh. Các cơ sở y tế dự phòng phải chuẩn bị đầy đủ hóa chất, thuốc men và nhân lực để sẵn sàng đối phó nhanh chóng khi có dịch bệnh xảy ra.

BS Nguyễn Võ Hinh (nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thừa Thiên - Huế)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top