Cần xử lý nghiêm hành vi xả thải vào công trình thủy lợi

(khoahocdoisong.vn) - Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay tình trạng xả thải vào các công trình thủy lợi diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Nhiều kênh, mương đã “chết”

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng trên 1.600 tuyến kênh cấp 1, cấp 2 dài gần 3000km và hàng nghìn cống tưới tiêu nước. Ngoài ra, Hà Nội còn có gần 10.000km kênh mương cấp 3; 18 hồ chứa nước, đập dâng do 5 công ty thủy lợi của thành phố quản lý, phục vụ tưới cho 281.600 ha canh tác.

Hệ thống công trình thủy lợi trải dài trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, phục vụ tưới, tiêu, chống ngập úng cho địa bàn nội và ngoại thành trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước của hệ thống này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn.

Nhiều mương thủy lợi bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều mương thủy lợi bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Như Báo KH&ĐS đã phản ánh về kênh T2 Sơn Đồng (Hoài Đức), cách đây hơn chục năm nguồn nước của con kênh này tương đối sạch. Tuy nhiên, cùng với quá trình công nghiệp hóa, các làng nghề thuộc xã Cát Quế, Sơn Đồng, Minh Khai, Dương Liễu… xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh.

Kênh T2 có chiều dài khoảng 10km chảy qua địa phận các xã của huyện Hoài Đức với nhiệm vụ tiêu thoát nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của các khu vực dân cư lân cận. Thế nhưng, đoạn kênh gần ngã tư Sơn Đồng giờ đây không khác gì một bãi rác trên cạn với đủ loại rác thải, váng chất thải ứ đọng nổi lềnh bềnh dưới lòng mương.

Không chỉ ở Hoài Đức, hệ thống thủy lợi của Hà Nội đang bị người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh biến thành nơi chứa chất thải nông nghiệp, công nghiệp, rác thải sinh hoạt… Cụ thể, trên tuyến kênh tiêu sông Cầu Bây, hiện có 38 điểm xả nước thải của thị trấn Trâu Quỳ, các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ (Gia Lâm) và phường Việt Hưng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Thạch Bàn (Long Biên)...

Theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước sông Cầu Bây của Sở TN&MT Hà Nội đầu năm 2017, tất cả 16 thông số đều không đạt quy chuẩn cho phép, trong đó chỉ tiêu NH4 vượt từ 6,6 - 33,8 lần; dầu mỡ vượt 13,2 - 16,1 lần; coliform vượt 1,2 - 9,6 lần... Chất lượng nguồn nước sông không đủ điều kiện dùng cho tưới tiêu thủy lợi, bảo tồn động, thực vật thủy sinh.

Đặc biệt, đoạn kênh Bắc Hưng Hải chảy qua xã Kim Sơn (Gia Lâm) chỉ dài khoảng 3km nhưng lại bị ô nhiễm nặng nhất. Từ nhiều năm nay, nước tại kênh này luôn có màu đen đặc cộng với tình trạng rác thải, xác động vật khiến cho mùi hôi thối ngày càng nồng nặc. Mặc dù đơn vị quản lý kênh có thực hiện thu gom vớt rác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì tình trạng ô nhiễm lại tái diễn.

Hệ thống xử lý nước thải của nhiều làng nghề, khu cụm công nghiệp "đắp chiếu" hoặc xử lý qua loa rồi thải ra kênh thủy lợi.

Hệ thống xử lý nước thải của nhiều làng nghề, khu cụm công nghiệp "đắp chiếu" hoặc xử lý qua loa rồi thải ra kênh thủy lợi.

Khó khăn trong xử lý vi phạm

Trước tình trạng trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với địa phương rà soát, thống kê những tổ chức, cá nhân xả thải vào hệ thống thủy lợi, đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động xả thải của các cơ sở trên.

Kết quả rà soát, thống kê từ 5 công ty khai thác, quản lý công trình thủy lợi cho thấy, trên địa bàn TP Hà Nội tồn tại gần 1.400 điểm xả nước thải vào hệ thống tưới tiêu, trong đó có hơn 600 điểm xả nước thải sản xuất công nghiệp, làng nghề, trên 700 điểm xả nước thải dân sinh, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện…

Qua thanh tra cho thấy, các tổ chức, cá nhân đều có giấy phép kinh doanh phù hợp với ngành nghề được kiểm tra; giấy phép xả thải vào nguồn nước do UBND quận, huyện và Sở TN&MT Hà Nội cấp phép; có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả trực tiếp vào hệ thống thủy lợi.

Những dòng nước như thế này không thể phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

Những dòng nước như thế này không thể phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dọc các kênh thủy lợi của Hà Nội rất lớn, lại phân tán, nên khó kiểm soát việc xả thải. Số điểm xả thải được cấp phép cũng chưa đúng với thực tế được kiểm tra; một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ quan trắc mức độ ô nhiễm của nước thải và báo cáo kết quả quan trắc theo định kỳ...

Nhiều khu đô thị, khu dân cư tập trung chưa xây dựng, cũng như không có quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân còn thấp. Trong khi, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh; chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe; chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thủy lợi chỉ là phát hiện, thống kê vi phạm, còn xử phạt thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng như Sở TN&MT, Cảnh sát môi trường.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, việc vi phạm quy định về đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi bị xử phạt: Phạt cảnh cáo với khối lượng dưới 0,5 m3; Phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng với khối lượng từ 0,5 m3 đến dưới 1m3; Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với khối lượng từ 1m3 đến dưới 3 m3; Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng với khối lượng từ 3 m3 đến dưới 5 m3; Phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng với khối lượng từ 5 m3 trở lên.

Đối với hành vi xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc diện phải xin phép mà không có giấy phép, bị xử phạt: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng với lưu lượng nhỏ hơn 5 m3/ngày, đêm; Phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng với lưu lượng từ 5 m3/ngày, đêm đến dưới 100 m3/ngày đêm; Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng với lưu lượng từ 100m3/ngày, đêm đến dưới 500 m3/ngày đêm; Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng với lưu lượng từ 500 m3/ngày, đêm trở lên.

Dù các quy định đã có, nhưng công tác xử lý vi phạm ở các địa phương vẫn rất khó khăn. Như tại xã Tân Triều (Thanh Trì), cụm công nghiệp làng nghề Triều Khúc có nhà máy xử lý nước thải nhưng lại “đắp chiếu” bỏ hoang. Trong khi đó, các doanh nghiệp may mặc, nhuộm, tái chế nhựa… không có hệ thống xử lý nước thải riêng nên toàn bộ nước thải độc hại đều đổ ra mương thủy lợi.

Ông Đỗ Đình Long – cán bộ môi trường xã Tân Triều thừa nhận về thực trạng trên và cho biết đó là vấn đề chung của các khu cụm công nghiệp làng nghề, chứ không riêng gì Tân Triều. Ông Long cũng cho biết, việc xử phạt là rất khó khăn bởi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top