Cần xem xét nhu cầu thực tế khi xây dựng tượng đài

(khoahocdoisong.vn) - Vừa qua dư luận rộ lên thông tin một số địa phương có kế hoạch xây dựng tượng đài, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trong đó, một huyện được cho là còn khó khăn về kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, ông chủ tịch huyện sắp về hưu lại làm tờ trình xin tỉnh về chủ trương xây dựng tượng đài với số tiền lên đến 20 tỷ đồng, trong khi huyện này vẫn còn ôm món nợ 50 tỷ đồng mà chưa có phương án cũng như khả năng chi trả.

Việc xin chủ trương xây dựng tượng đài 20 tỷ đồng này được ông chủ tịch huyện sắp hết nhiệm kỳ giải trình rất “chi tiết và rõ ràng”. Tượng đài này là cấp độ tỉnh nên không phải xin phép trung ương, nguồn kinh phí là do vận động xã hội hóa và một phần của địa phương, hơn nữa đây là dự án cho nhiệm kỳ sau. Đúng là một ý tưởng “nhìn xa trông rộng!”.

Còn một tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại có ý tưởng chơi trội, xây dựng hẳn một nhà bảo tàng Nông nghiệp với chi phí cỡ 400 tỷ đồng, nằm trên diện tích đất gần 12ha. Có ý kiến cho rằng số lượng gần 12ha đất đã là một tài sản rất lớn của địa phương, hàng năm có thể tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, cùng đó là những khó khăn thực tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhân dân đang phải căng mình ra để chống chọi với hạn hán và xâm nhập mặn, vậy còn tâm trí nào mà đến thăm quan bảo tàng được nữa?

Xây dựng tượng đài hay nhà bảo tàng là một nhu cầu chính đáng để nhân dân địa phương hưởng thụ văn hóa cũng như sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhưng phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương cũng như “xem giỏ bỏ thóc”, tránh tình trạng xây bằng mọi giá hoặc “nửa mùa hết rơm”, để lại hình ảnh và dư âm không tốt, phản tác dụng.                                                                     

Theo Đời sống
back to top