Cẩn trọng với thực phẩm xách tay

(khoahocdoisong.vn) - Đặc sản cua hoàng đế hun khói xé sợi thực ra là mực khô, lườn ngỗng hun khói thực ra là gà tây… nhưng lại được rất nhiều thực khách săn lùng.

Trong khi ngay trên tem nhãn của sản phẩm đã ghi rõ, nhưng vì không hiểu được ngoại ngữ nên nhiều người mắc lừa.

“Xuống tiền” chi đồ ăn lạ

Chị Vũ Kiều Liên (Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị có thói quen đãi khách những món lạ miệng ở khắp mọi vùng trên thế giới nên gần đây có đặt hàng một người quen qua mạng facebook hẳn 2kg cua hoàng đế hun khói xé sợi và hàng chục chiếc đùi ngỗng hun khói. Theo quảng cáo thì sản phẩm nhập khẩu từ Nga, rất ngon, lạ miệng, đảm bảo chất lượng. Chị hí hửng mua về đem ra đãi khách. Một lần, nhà chị có khách lại chính là người Nga là đối tác của chồng chị. Khi đọc nhãn mác sản phẩm, vị khách này khiến chị Liên ngã ngửa. Bởi trên sản phẩm ghi bằng tiếng Nga rất rõ cua hoàng đế có thành phần chính là mực. Còn đùi ngỗng thực ra là gà tây, một sản phẩm rất bình dân ở Nga.

“Tôi xấu hổ không biết đâu mà kể, cũng đành thú thật là mua qua lời giới thiệu. Thậm chí trên nhãn cũng ghi là sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc rồi sau đó nhập khẩu vào Nga chứ không phải là đặc sản của Nga như mình nghĩ. Đúng là bỏ tiền ra mà không hiểu biết thì chẳng khác nào bị lừa, nhất là lại mua bán qua mạng xã hội, chỉ đọc lời quảng cáo chứ không nghi ngờ gì về nguồn gốc sản phẩm”, chị Liên chia sẻ.

Theo ThS Phạm Thanh Quỳnh, Học viện Nông nghiệp, thực tế, thịt ngỗng thơm ngọt, dai thịt không bở, da giòn thơm mùi thịt hun khói, mọi người ăn trực tiếp hoặc áp chảo lên miếng da giòn rụm rất lạ, khác hẳn hoàn toàn với thịt gà, vịt. Thịt cua hoàng đế hun khói - món ăn được coi là món ăn ông vua của biển cả, hương vị thơm ngon, nhiều đạm, tốt cho sức khoẻ. Phần thịt hun khói được rút từ càng và chân nên rất chắc chắn dai giòn, sợi dài nên dễ xé nhỏ… Tuy nhiên, người ta đã lập lờ trong nhãn mác để đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng. Với người dùng lần đầu thưởng thức hoặc không có kinh nghiệm thì rất khó để nhận biết. Người dùng tinh ý thì có thể biết ngay nếu so sánh với giá của loại thực phẩm này khi tươi sống.

Đừng ham đồ ngoại

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm cho biết, tất cả các sản phẩm khi nhập về Việt Nam để được lưu hành đều có tem phụ. Trường hợp mua đồ xách tay, đặc biệt là hàng hóa là thực phẩm sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro do không kiểm soát được chất lượng cũng như giá cả, thành phần của sản phẩm. Mua hàng như vậy là dựa trên lòng tin với người bán hàng, chứ không có căn cứ nào ràng buộc trách nhiệm người bán với người mua. Do đó, khách hàng phải chịu thiệt thòi là rất dễ xảy ra. Trường hợp mua ngỗng lại nhận được gà, mua cua lại nhận phải mực… là do sự thiếu hiểu biết của chính người mua, tự biến mình thành nạn nhân của trào lưu dùng thực phẩm xách tay nhập khẩu sang chảnh.

“Đồ xách tay nói chung vốn đã rủi ro, thực phẩm xách tay lại càng rủi ro hơn. Trong khi đó, lợi dụng sự ngây thơ của nhiều khách hàng có tiền, người ta cứ vẽ ra những sản phẩm nọ kia bằng những mĩ từ rất khủng khiếp. Người tiêu dùng đừng đặt lòng tin vào quảng cáo. Đừng “mua mèo trong bị”. Thay vì đó, hãy đến các cửa hàng, siêu thị, nhìn thấy tận mắt sản phẩm, có tem nhãn nhập khẩu đàng hoàng rồi hãy mua. Tuy nhiên, thói quen dùng thực phẩm ngoại, xách tay cũng chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Trong khi đó, trong nước hiện nay, công nghệ chế biến thực phẩm rất phát triển. Nhiều sản phẩm nội địa rất ngon, nhưng chúng ta chưa biết tận dụng để thưởng thức”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Cái khó của thực phẩm xách tay từ nước ngoài là không cơ quan nào có thể giải quyết, bởi nó chỉ là giao dịch của các cá nhân với nhau. Tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” không chỉ với thực phẩm mà còn nhiều mặt hàng khác gắn mác “xách tay”.

Bảo Khánh

“Thực tế trong nước không thiếu các sản phẩm hun khói hay làm khô, chế biến rất tươi, ngon, có thương hiệu. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu sản phẩm của các thương hiệu uy tín để lựa chọn”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Theo Đời sống
back to top