Cẩn trọng khi dùng trầu không sát khuẩn

Theo dân gian, trầu không được dùng để sát khuẩn vết thương, đặc biệt phụ nữ dùng nước trầu không để vệ sinh phần phụ giúp tránh viêm nhiễm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, cần tránh lạm dụng.

Không nên lạm dụng lá trầu

Trầu không có thể mang nấm vào người

TS.BS Vũ Minh Hoàn, Phòng Đào tạo Nghiên cứu Khoa học và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội cho hay, trong dân gian người ta thường sử dụng trầu không để rửa vết thương. Do trong trầu không có chất sát khuẩn, kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Dựa vào đặc điểm đó nên trầu không được nhiều người dùng để vệ sinh phần phụ phụ nữ.

Tuy nhiên, dù trầu không không có tính độc nhưng khi dùng để vệ sinh phụ nữ cần phải có nhiều chú ý, tránh lạm dụng. Ví dụ như trầu không chỉ dùng ở mức độ thông thường và dùng phía ngoài âm hộ, không có tác dụng thay thế các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm khi bị viêm nhiễm âm đạo.

“Nước trầu không chỉ giúp vệ sinh phía ngoài cơ thể, không sử dụng vào các vết thương sâu. Điều này cũng áp dụng với vệ sinh phần phụ của phụ nữ.

Nhiều phụ nữ bị viêm nhiễm, khí hư… nhưng thay vì đi khám để xác định nguyên nhân gây viêm, loại vi khuẩn, nấm và dùng đúng thuốc thì chỉ dùng nước trầu không để rửa. Điều này là chưa đúng. Bởi mỗi loại bệnh sẽ cần có thuốc đặc trị riêng, trầu không chỉ mang tính chất sát khuẩn ở một mức độ nhất định, không thể thay thế thuốc”, TS.BS Vũ Minh Hoàn cho biết thêm.

Trầu không dùng để sát khuẩn khi không có thuốc hay các sản phẩm vệ sinh, sát khuẩn. Nhưng chính bản thân lá trầu không cũng có thế chứa các nấm mốc trên các lá. Khi chế biến để làm, nếu không đảm bảo vệ sinh thì việc sát khuẩn vết thương có khi lại mang thêm bệnh. Do đó, người dùng cần cân nhắc.

Nguy cơ làm tăng sản tế bào gây ung thư

Đồng quan điểm, BSCK II Trần Quốc Thắng, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội cho biết, với phụ nữ do quá trình sinh hoạt thì dịch âm đạo chảy ra, cùng mồ hôi… khiến vi khuẩn có thể phát triển gây hôi. Nếu không vệ sinh sạch, sát khuẩn thì vi khuẩn sẽ xâm nhập vào phía trong âm đạo, âm hộ gây viêm nhiễm cổ tử cung.

Trầu không có thành phần sát khuẩn nên có thể sử dụng vào trường hợp này. Tuy nhiên, khi dùng cần chú ý không thụt rửa vào phía trong âm đạo. Bởi âm đạo là môi trường chỉ có vi khuẩn có lợi cho vùng này, nếu nước trầu không không sạch có thể gây nên tình trạng viêm nhiễm ngược dòng.

Ngoài ra, chỉ dùng trầu khi không thấy ngứa, khí hư, mùi… Ngược lại, nếu thấy các biểu hiện này cần đi khám, soi để biết loại vi khuẩn, nấm trong âm đạo từ đó có thuốc điều trị. Trầu không không thể tiêu diệt được các vi khuẩn, nấm chỉ bằng cách rửa bên ngoài.

Nếu chủ quan hay lạm dụng trầu không trong trường hợp này có thể dẫn đến viêm nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như sinh sản.

Cũng theo các chuyên gia, hiện có những thông tin cho thấy lá trầu có thể có nguy cơ làm tăng sản tế bào gây nên ung thư khi dùng để rửa phần phụ khi đã bị viêm nhiễm.

Thực tế điều này chưa được làm rõ, nhưng để an toàn, lá trầu không chỉ được dùng để vệ sinh phía ngoài da, không nên dùng cho các vết thương hở, nhất là vết thương có tình trạng tăng sản tế bào.

Khi có tình trạng tăng sản tế bào, viêm nhiễm nặng, nguy cơ bị ung thư phần phụ thì không được dùng trầu. Hiện trong bệnh viện y học cổ truyền người ta gần như không dùng trầu không để vệ sinh phần phụ.

Hà Linh

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top