Cần tiêu chuẩn hóa sản phẩm hữu cơ

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 1/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học & Kỹ thuật về Tiêu chuẩn & Chất lượng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 76.666ha đất nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN, nhưng mới chỉ chiếm 0,28% tổng diện tích đất nông nghiệp. Ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện nhóm TCVN về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm hiểu và áp dụng đúng bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường quốc tế tốt hơn.

Ông Trần Văn Học, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vinastas cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam có nhận thức khá cao và thái độ tích cực đối với các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm được chứng nhận GAP. Ngoài ra, theo ông Học cần đẩy mạnh công tác thực thi Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm; Nâng cao vai trò của Hội và Hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đảm bảo an toàn thực phẩm; Thúc đẩy phong trào sản xuất và tiêu dùng bền vững; Đưa ra các biện pháp khuyến khích người nông dân, nhà sản xuất để đi vào sản xuất thực phẩm hữu cơ/GAP; Tổ chức các hội chợ thương mai, triển lãm sản phẩm hữu cơ/GAP để quảng bá sản phẩm và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; Các công cụ sáng tạo mới, ví dụ như app điện thoại giúp truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tìm kiếm thông tin về giá.

Các đại biểu nhấn mạnh đến sự cam kết của các doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách về thực phẩm hữu cơ, kiểm soát chuỗi cung ứng thực phẩm nhằm hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến và mong muốn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia, tổ chức tư vấn, chứng nhận… để thúc đẩy quá trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin nhằm mang lại niềm tin cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ.

Các tiêu chuẩn khi được triển khai rộng rãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất sản phẩm hữu cơ nói riêng, hỗ trợ việc thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ đã được Chính phủ ban hành ngày 29/8/2018. 

Theo Đời sống
back to top