Can thiệp hệ bạch mạch cứu bệnh nhân tràn dịch

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện đầu tiên trong cả nước chụp cộng hưởng từ bạch mạch và can thiệp thành công cứu các bệnh nhân bị các bệnh lý của hệ bạch mạch. Đây là một kỹ thuật rất khó vì mạch bạch huyết trong suốt và nhỏ hơn mạch máu.

Đi khắp các bệnh viện vẫn không tìm ra nguyên nhân tràn dịch màng phổi

Bệnh nhân Hoàng Hải A. (27 tuổi, TPHCM) được khám sức khỏe định kỳ tại cơ quan thì phát hiện có đám mờ phổi trái. Bệnh nhân được chẩn đoán tràn dịch màng phổi dưỡng chấp nhưng không tìm được nguyên nhân.

Nhiều lần nằm viện, chạy chữa khắp nơi, đã có lúc bệnh nhân và gia đình tưởng chừng như buông xuôi… May mắn gia đình tình cờ biết được một ca bệnh tương tự (nam thanh niên bị tràn dịch dưỡng chấp màng phổi sau ngã chấn thương) đã được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị can thiệp thành công bằng kỹ thuật can thiệp hệ bạch mạch nên bệnh nhân được đưa ra Hà Nội khám. Các kết quả cận lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị rò dưỡng chấp màng phổi trái đi lên trên cổ và chỉ định can thiệp nút mạch. Bằng thủ thuật chụp hiện hình đường bạch huyết, các bác sĩ điện quang can thiệp đã phát hiện chính xác nhánh mạch bị tổn thương để có thể điều trị nút mạch.

Sau can thiệp, bệnh nhân nhanh chóng cải thiện các triệu chứng, theo dõi dịch rò giảm dần, 3 ngày sau hết dịch hoàn toàn. Bệnh nhân có thể đi lại, sinh hoạt bình thường.

 

ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - người trực tiếp thực hiện can thiệp cho bệnh nhân cho biết, việc xác định được nhánh mạch bất thường là một may mắn vì không dễ để thấy được. Tràn dịch dưỡng chấp màng phổi có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân do suy hô hấp và suy kiệt...

Nhiều bệnh lý cần chụp bạch mạch

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương, hệ bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết và hệ thống mạch bạch huyết. Đây là thành phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình miễn dịch của cơ thể. Đi cùng với vai trò miễn dịch, hệ bạch huyết là một trong ba hệ tuần hoàn của cơ thể bên cạnh tuần hoàn động mạch và tuần hoàn tĩnh mạch. Thông thường, mạch bạch huyết rất khó quan sát được do chúng chứa ít tế bào, chứa dịch bạch huyết trong suốt và kích thước mạch nhỏ hơn so với mạch máu.

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ bạch mạch là kỹ thuật sử dụng thuốc đối quang từ bơm vào hạch bạch huyết, giúp hiện hình được hệ thống mạch bạch huyết của cơ thể, giúp chẩn đoán và hướng dẫn điều trị các bệnh lý liên quan.

Đối tượng cần chụp cộng hưởng từ bạch mạch là: Các trường hợp nghi rò bạch huyết hoặc rò dưỡng chấp sau mổ hoặc sau chấn thương, vết thương. Rò có thể vào các khoang của cơ thể hoặc chảy trực tiếp ra ngoài qua vết mổ; Đi tiểu ra dưỡng chấp; Các trường hợp tràn dưỡng chấp màng phổi, ổ bụng nhiều không tìm được nguyên nhân; Phù bạch mạch; Các bất thường bẩm sinh hệ bạch huyết: Nang bạch huyết, tụ dịch bạch huyết, dịch dạng bạch mạch…

ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương cho biết, chụp cộng hưởng từ hệ bạch mạch là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh ít xâm lấn, các tác dụng phụ của thuốc đối quang từ trên bệnh nhân là hầu như không đáng kể. Theo đó, bác sĩ sẽ tiến hành chọc kim có kích thước rất nhỏ vào hạch ở bẹn hoặc qua mu chân (trong các trường hợp phù cứng chân) dưới hướng dẫn của siêu âm và bơm thuốc qua hai kim nhỏ ở bẹn, vừa chụp ở vùng bụng và ngực.

Thời gian ở trong phòng chụp từ 15 - 20 phút. Dựa vào kết quả chụp, bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho từng trường hợp cụ thể như nút tắc ống ngực, tiêm xơ tại chỗ, dẫn lưu… Bệnh nhân hầu như không có cảm giác gì gây ra bởi chụp hay chọc kim qua da. Thủ thuật gần như tuyệt đối an toàn, do đó sau khi chụp xong bệnh nhân có thể về nhà ngay mà không cần nằm viện theo dõi. Vị trí chọc kim vùng bẹn hai bên rất nhỏ nên hầu như không gây bầm tím hay tụ máu tại chỗ, bệnh nhân có thể tức nhẹ hoặc ngứa vết chọc kim sau khi chụp xong nhưng những triệu chứng này thường kéo dài không quá 48 giờ.

Theo Đời sống
back to top