Cẩn thận với thuyên tắc mỡ

(khoahocdoisong.vn) - Hút mỡ bụng giúp loại bỏ lượng mỡ thừa tích tụ ở bụng, đây là phương pháp thẩm mỹ nhiều chị em giới văn phòng quan tâm. Ám ảnh vòng bụng chảy xệ sau sinh, vòng bụng to do ngồi nhiều khiến chị em thiếu tự tin. Hút mỡ bụng sẽ hiệu quả trong trường hợp nào? Chỉ nên hút tối đa bao nhiêu? Ai nên thực hiện ai không nên?

Không phải muốn hút bao nhiêu thì hút

BS. Thy Ra, Thẩm mỹ viện Đông Á cho biết, chị em thừa cân, béo phì rất quan tâm đến hút mỡ bụng. Nhiều người quan niệm rằng, chỉ là mỡ thừa, hút ra ngoài sẽ không ảnh hưởng sức khỏe nhưng thực chất, đi cùng việc hút mỡ, máu cũng bị hút ra ngoài khoảng 25% nên việc hút mỡ bụng cần có liều lượng, không phải muốn hút bao nhiêu là hút.

Hút mỡ bụng phải được thực hiện bởi các bác sĩ để tránh làm tổn thương mạch, mỡ chui vào trong mạch gây bít tắc động mạch phổi có thể dẫn đến tử vong. Hút mỡ bụng sẽ không nguy hiểm nếu được bác sĩ có chuyên môn thực hiện, mỗi lần lượng mỡ tối đa lấy ra không quá 5% trọng lượng cơ thể, lượng mỡ này nếu có nhu cầu có thể bơm vào những vùng cần thiết như mông, ngực, má…

Hút mỡ bụng là dùng sóng siêu âm đánh tan mỡ ra thành nước, không tác động đến mạch máu và thần kinh. Sau đó, bác sỹ sẽ dùng ống hút lấy lượng mỡ này ra. Phương pháp này ít gây đau, gây sưng, ít chảy máu và giúp cho da săn chắc. Nếu sử dụng phương pháp hút mỡ bụng bằng laser, người ta dùng đèn laser gắn vào đầu ống hút, đưa xuống dưới da và đốt cháy mỡ thành nước rồi hút ra ngoài. Sử dụng phương pháp này, bác sĩ phải nắm vững kỹ thuật để tránh gây bỏng da, tạo bướu thanh dịch.

Mỗi phương pháp có ưu và nhược riêng, thích ứng cho từng đối tượng người bệnh có mỡ cứng, mỡ mềm hay sự co giãn vùng da bụng khác nhau. Theo BS Thy Ra, một người muốn hút mỡ bụng phải được bác sĩ thăm khám tổng thể bởi đây là can thiệp không sử dụng đối với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, bệnh về tĩnh mạch, bệnh lý huyết khối, suy thận, suy gan, bệnh lý hô hấp, đái tháo đường.

Sau hút mỡ bụng, nếu không được loại trừ các bệnh này trước, bệnh nhân có thể lên cơn đột quỵ nếu mắc bệnh tim mạch, tiểu đường. Đối với bác sĩ, nếu tay nghề không tốt, hút sát da dễ gây hoại tử da hoặc tạo thành đường bụng không phẳng, càng khiến mất thẩm mỹ. Tai biến khác là hội chứng thuyên tắc mỡ, thuyên tắc phổi. Trong quá trình hút, mỡ lỏng xâm nhập vào máu, phổi gây tắc mạch, suy hô hấp.

Ưu tiên điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập

Hút mỡ bụng thường là nhu cầu của những người béo, những người này lại muốn giảm được lượng mỡ thừa càng sớm càng tốt, tuy nhiên, mỗi lần hút không quá 5% trọng lượng cơ thể nên nếu số lượng mỡ thừa quá nhiều có thể phải hút nhiều lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng, khi vết mổ cũ đã lành. Gần đây có nhiều bạn trao đổi, sau khi hút mỡ bụng thường bác sĩ khuyên phải tập thể dụng để vùng da bụng săn chắc, không chùng nhão nhưng theo BS. Thy Ra hút mỡ bụng thường đi kèm với phẫu thuật căng da, khâu cân cơ nên vùng da bụng phẳng, việc tập thể dục hỗ trợ tăng độ đàn hồi của da, giúp da khỏe.

Sau hút mỡ bụng, một số người gặp biến chứng tê bì nên tập thể dụng cũng giúp giảm tê bì, nếu tập chăm chỉ thì khoảng 1 tháng sau vùng da bụng sẽ hết cảm giác này và trở về bình thường.

Mặc dù vùng bụng là vùng dễ “phát tướng” nhất, kể cả khi niên thiếu nhưng hút mỡ bụng đối với những người dưới 17 tuổi không được khuyến khích. Người dưới 17 tuổi béo phì nên giảm cân bằng điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường chế độ luyện tập. Đối với phụ nữ sinh nhiều con, da chạy xệ nhiều căng da bụng, đeo gen định hình để da bớt chảy xệ cùng với tập thể dục, yoga giúp săn chắc cơ thành bụng.

Hút mỡ bụng nên được thực hiện ở người trong độ tuổi 35- 50 nếu có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, bệnh tĩnh mạch, huyết khối…Muốn kết quả phẫu thuật tốt, da bụng của người được hút mỡ phải săn chắc, đàn hồi tốt. Kỹ thuật viên thực hiện phải có tay nghề để tránh tình trạng hút xong da bụng cứng, lồi lõm, bị thâm da do xuất huyết và nghiêm trọng nhất là tổn thương tĩnh mạch, có thể dẫn tới tử vong.

Theo Đời sống
back to top