Cẩn thận với hội chứng Stevens - Johnson vì thuốc

(khoahocdoisong.vn) - Hội chứng Steven - Johnson là một dạng phản ứng dị ứng với thuốc đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên tới 5 - 30%. Vì vậy, người dân cần phải biết cách để phòng tránh và đi cấp cứu kịp thời.

Tỷ lệ tử vong từ 5 - 30%

Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (38 tuổi, Hà Nội) sau uống 35 thang thuốc Đông y (1 thang/ngày), thấy rất mệt mỏi, cảm giác như bị kim châm toàn thân. Sau đó xuất hiện nhiều đám đỏ da, rất rát và nổi nhiều mụn, bọng nước trên da, loét nhiều hốc tự nhiên.

Bệnh nhân Vũ D. (34 tuổi) viêm tai giữa uống kháng sinh và sau 5 ngày nổi nhiều bọng nước trên da và loét các hốc tự nhiên. Sau đó bệnh nhân bị viêm gan, nhiễm trùng huyết, viên, phổi... Vào viện thì được chẩn đoán hội chứng Stevens - Johnson. Sau 55 ngày điều trị bệnh nhân mới được ra viện.

PGS.TS Lê Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hội chứng Stevens - Johnson còn gọi là hội chứng cấp tính da và niêm mạc do thuốc gây nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh, tỷ lệ tử vong 5  -30%. Trung tâm dị ứng đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân với tổn thương rất nặng nề do dùng thuốc dẫn tới Stevens – Johnson.

Các triệu chứng của hội chứng Stevens - Johnson thường xuất hiện sau khi dùng thuốc từ vài giờ đến một vài tuần, bệnh nhân bị sốt, mệt mỏi, ngứa khắp người, nổi ban đỏ, xuất hiện nhiều mụn nước, bọng nước sau đó lan ra toàn thân, diện tích bọng nước hoặc trợt thượng bì dưới 10% diện tích da bề mặt cơ thể. Những bọng nước to chảy nước để lại lớp da non đỏ tươi. Tổn thương có thể rải rác hoặc dày đặc trên tất cả các vùng da như gan bàn tay chân, khắp cơ thể nhưng không có ở da đầu. Các hốc tự nhiên bao giờ cũng bị loét (2 hốc trở lên), niêm mạc miệng, mắt, lỗ sinh dục hay gặp hơn, có thể có tổn thương nội tạng: gan, thận...

Hội chứng Steven - Johnson.

Hội chứng Steven - Johnson. 

Đa phần do thuốc

Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, các thuốc có thể gây hội chứng Stevens – Johnson là kháng sinh pennicillin, ampicillin, streptomycin, tetracyclin, chloramphenicol, gentamycin...; Nhóm hạ sốt giảm đau – chống viêm không steroid: paracetamol; ânlgin, nhóm thuốc chống sốt rét, nhóm sát khuẩn, nhóm vitamin, nhóm thuốc chống lao và thuốc chống co giật...

Khi dùng thuốc nếu thấy xuất hiện triệu chứng của có biểu hiện của Stevens - Johnson cần ngừng thuốc và đi viện ngay. Tránh để tình trạng nhiều cơ quan bị ảnh hưởng, sự hoại tử và trợt xảy ra ở cả khí quản, phế quản, thận, ruột, viêm phế quản, khí phế thủng dưới da, suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, chứng lo âu, chứng nhạy cảm với ánh sáng, đỏ mắt hoặc khô mắt, giảm thị giác… Bệnh sẽ tiến triển này càng nặng, bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn, loạn nhịp tim, viêm màng cơ tim, khó thở, hôn mê, nhiễm trùng máu có thể dẫn đến tử vong.

Để hạn chế nguy cơ mắc hội chứng Stevens - Johnson, cần lưu ý: Phải dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống các thuốc không được kê đơn, không sử dụng các đơn thuốc của người khác, không tự ý bỏ liều, ngừng sử dụng thuốc. Phải thông báo các dị ứng về thuốc, thức ăn của bản thân cho thầy thuốc biết. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, đặc biệt là sốt cao, viêm miệng, phải tới các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top