Cẩn thận viêm não, màng não lây lan mùa hè

TPHCM có hai trẻ nhập viện do nhiễm não mô cầu, 1 tử vong, 1 phải cắt chi. Mùa hè là mùa của viêm não với nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh và có thể gây tử vong trong 24 giờ...

Biểu hiện giống cúm, có thể gây tử vong trong 24h

Thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi mắc 2 bệnh lý viêm não và viêm màng não. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng hay xảy ra vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 – 8. Có thời điểm bệnh viện điều trị cho 30 trẻ. Bệnh ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhiều trường hợp phải thở máy, hồi sức tích cực, trong đó có những cháu mới chỉ 2 – 3 tháng tuổi. Nhiều trẻ khi đến viện đã biến chứng nặng về thần kinh như bại não, động kinh, thậm chí nhiều trẻ mất hết tri thức... điều trị vô cùng khó khăn.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bệnh viện vừa mới tiếp nhận 2 ca bệnh nhiễm não mô cầu. Một ca bệnh 4 tuổi đã tử vong sau 6 tiếng nhập viện.

Một bệnh nhi mới 4,5 tháng tuổi đã nhập viện trong tình trạng sốt cao giờ thứ 12 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Vài tiếng sau bé có tình trạng sốc, xuất hiện các nốt tử ban lan rộng trên da, suy hô hấp... Các bác sĩ đã phải cho bé thở máy, dùng nhiều loại kháng sinh liều cao, đến ngày thứ 5, bé hết nguy kịch. Tuy nhiên, chân tay bé bị hoại tử quá nặng buộc phải cắt chân phải từ đầu gối xuống và tháo nhiều ngón tay, chân để giữ tính mạng.

viem-nao-mo-cau.jpg
Cẩn thận viêm não, màng não lây lan mùa hè.

BS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TPHCM cảnh báo, thời tiết miền Nam đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa là điều kiện thuận lợi để bệnh não mô cầu lây lan. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, làm tăng tiếp xúc trong khi thời gian qua gián đoạn tiêm chủng văcxin não mô cầu. Do đó, nhóm yếu thế (trẻ em, trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm ngừa, người trên 60 tuổi, có bệnh nền) dễ bị vi khuẩn mô cầu tấn công.

Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ độ tuổi nào, trong đó tuổi thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên. Triệu chứng bệnh không đặc hiệu ở giai đoạn sớm, thường dễ nhầm với bệnh cúm do triệu chứng khá giống nhau, do vậy không dễ chẩn đoán sớm để điều trị. Bệnh có thể gây tử vong trong 24h vì diễn tiến nhanh, có thể cướp đi sinh mạng của một người khỏe mạnh chỉ trong 24h kể từ khi phát hiện triệu chứng đầu tiên. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (10 - 15%), thậm chí có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi đã được điều trị, có 2/10 bệnh nhân sống sót có di chứng nặng nề vĩnh viễn như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt...

Nhiều vi khuẩn, virus gây viêm não

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học các bệnh nhiệt đới trẻ em, viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, hib và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli... Khi đó, màng ngoài của não sẽ bị vi khuẩn tấn công, tỷ lệ tử vong khi mắc viêm màng não lên tới 50% nếu không được điều trị.

viem-nao.jpg
Thăm khám cho bệnh nhân viêm não, viêm màng não tại Bệnh viện Nhi TƯ.

Thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi.

Bệnh viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10 - 15% và 35 - 45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động.

Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu, quai bị... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1 - 2 tuần.

Điều đáng nói, các bệnh viêm não, viêm màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm, với các biểu hiện lâm sàng giống các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn... Tuy nhiên, cũng có trẻ không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, ban đầu trẻ có thể chỉ quấy khóc, rên rỉ, hay nhìn ngược, hay trớ, chán ăn... Do đó, việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn.

Ở giai đoạn muộn trẻ có các triệu chứng thần kinh như lờ đờ, kích thích vật vã, co giật, hôn mê... Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu sớm của trẻ. Khi thấy trẻ sốt cao, uống hạ sốt không đỡ, kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ, phụ huynh cần đưa trẻ vào viện ngay. Tuyệt đối không nên giữ trẻ ở nhà điều trị dẫn đến hôn mê, co giật mới đưa đến viện, lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn, để lại di chứng nặng nề.

Tiêm văcxin để phòng bệnh

Các chuyên gia cảnh báo, trong mùa hè cần đặc biệt chú ý đến 2 loại viêm não dễ gây thành dịch và để lại di chứng nặng nề là não mô cầu và viêm não nhật bản.

Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, tỷ lệ mắc là: 2.3/100.000 dân. Bệnh có 4 nhóm chính là A, B, C và D và những nhóm huyết thanh gây bệnh như: W-135, X, Y và Z. Ở Việt Nam có bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi và là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất (0,03/100.000 dân).

Hiện tỷ lệ người lành mang trùng cao, 5 - 10% tổng dân số, chủ yếu là thanh thiếu niên. Cứ 4 thanh thiếu niên thì có một người mang trùng trong vùng hầu họng. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn. Trong khi đó, những người này không biểu hiện ra bên ngoài, khi tiếp xúc với người khác có hệ miễn dịch yếu hơn, như trẻ dưới 5 tuổi, người trên 60 tuổi, sẽ lây lan âm thầm và gây bệnh.

Còn viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng não, gây ra do virus viêm não Nhật bản lây truyền qua đường trung gian muỗi đốt. Tỷ lệ tử vong ở những người bị có thể lên tới 30%.

Hiện những ca mắc viêm não ở nước ta chủ yếu là do không tiêm văcxin hoặc tiêm không đủ mũi, dễ thấy nhất là các trường hợp bỏ quên các mũi tiêm nhắc. Bệnh không có điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu khi có di chứng với chi phí rất tốn kém. Vì vậy, biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là tiêm văcxin đúng lịch và đầy đủ.

Để phòng bệnh, người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

2. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

3. Chủ động tiêm phòng văcxin phòng bệnh cho trẻ, văcxin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

4. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

viem-nao-mo-cau-1.jpg
Viêm não mô cầu.
Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top