Cẩn thận đột quỵ ngày nắng nóng

Không chỉ thay đổi thời tiết ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 mà cả những xáo trộn trong việc ăn uống, sinh hoạt vui chơi... khiến số ca bị đột quỵ có nguy cơ gia tăng. Biết cách phòng ngừa để tránh những nuối tiếc muộn màng là điều chúng ta nên làm càng sớm càng tốt.

10% xảy ra ở người trẻ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6,5 triệu người tử vong do đột quỵ. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 trên thế giới, trung bình có 1 ca tử vong do đột quỵ sau mỗi 6 giây và cứ 6 người thì có 1 người bị đột quỵ.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca bị đột quỵ và nguy cơ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, bệnh thậm chí xuất hiện ở cả những người độ tuổi 20, 30.

dot-quy-1.jpg
Cẩn thận đột quỵ ngày nắng nóng.

Tại trung tâm cấp cứu đột quỵ lớn nhất miền Bắc, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đột quỵ trẻ hóa nhập viện ngày càng nhiều, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, nghỉ lễ dài, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện thường tăng lên, khoảng vài chục bệnh nhân mỗi ngày.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

BSCKI Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Melatec phân tích, có hai loại đột quỵ chính gồm đột quỵ do chảy máu và đột quỵ do tắc mạch. Đột quỵ do chảy máu não thường gặp ở người bị tăng huyết áp lâu năm khiến mạch máu bị xơ vữa, khi chịu áp lực lớn có thể vỡ ra gây chảy máu. Còn đột quỵ do tắc mạch thường do lượng cholesterol trong máu quá cao, lắng đọng ở thành động mạch dẫn đến hình thành cục máu đông gây tắc mạch.

Trong những dịp nghỉ lễ nguy cơ đột quỵ tăng lên, nhất là ở những người nguy cơ cao như bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, bệnh mạch vành, là do thay đổi trong thói quen ăn uống sinh hoạt như thức quá khuya, ăn uống không hợp lý, hút thuốc lá... Người mắc bệnh tim mạch rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường và thói quen sinh hoạt như chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá mặn, ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động, hút thuốc lá, béo phì, uống nhiều rượu, bia...

dot-quy-bach-mai-2.jpg
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ.

Nghỉ lễ mọi người có tâm lý vui chơi, ăn uống thoải mái, thường bỏ qua những lời khuyên của bác sĩ về việc kiêng cữ thực phẩm, tập luyện, uống thuốc... khiến tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và dẫn đến đột quỵ.

Nghiên cứu cho thấy, uống bốn ly rượu hoặc bia mỗi ngày không chỉ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 38% so với người bình thường mà còn làm tăng khả năng mắc chứng cao huyết áp và ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Chỉ cần hút một điếu thuốc mỗi ngày cũng làm nguy cơ đột quỵ tăng lên 48%. Nguy cơ cao gấp 200% nếu hút 20 điếu mỗi ngày.

Để giữ gìn sức khỏe trong những ngày nghỉ lễ dài, chúng ta nên có một chế độ sinh hoạt điều độ, đúng giờ, tránh bị nhiễm nóng, lạnh đột ngột. Bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay bị suy tim nên dự trữ đủ lượng thuốc trong các ngày nghỉ. Uống thuốc đúng chỉ định, tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi có các triệu chứng bất thường để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Trước ngày đi làm không nên thức quá khuya. Tuyệt đối không uống quá nhiều rượu, bia. Khi có dấu hiệu cần đi khám ngay.

Cẩn thận đột quỵ do Covid-19

Các chuyên gia đột quỵ cảnh báo, bệnh nhân đột quỵ trong thời gian đang mắc Covid từ 0,9 - 2,7%, cao gấp 7 lần so với nhiễm virus khác như influenza (cúm).

dot-quy-bach-mai-1.jpg

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) cho biết. Nguy cơ mắc đột quỵ cao nhất, tăng gấp 10 lần trong ba ngày đầu tiên sau khi được chẩn đoán Covid-19. Nguy cơ giảm dần theo các khoảng thời gian 4 - 7 ngày, 8 - 14 ngày và 15 - 28 ngày. Sau một năm, dù thấp hơn rõ rệt, bệnh nhân có tiền sử mắc Covid trước đó vẫn có nguy cơ bị đột quỵ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng phân tích, Covid-19 có thể gây đột quỵ thiếu máu não qua ba cơ chế chính. Thứ nhất là tăng phản ứng viêm, dẫn đến viêm các mạch máu. Thứ hai, Covid-19 gây ra tình trạng tăng đông, dẫn đến sự hình thành huyết khối trong hệ động mạch, hệ tĩnh mạch và các cơ quan. Thứ ba là cơ chế thuyên tắc huyết khối ngược dòng, đặc biệt trên bệnh nhân còn tồn tại lỗ thông bầu dục trong tim (PFO). Một số ít tài liệu cho thấy, nhiễm nCoV có thể gây co mạch, tăng huyết áp dẫn đến xuất huyết não.

Đừng để khi có dấu hiệu mới chữa trị

PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cảnh báo, nhiều người cứ nghĩ chỉ khi hôn mê, liệt nửa người, thất ngôn... mới là đột quỵ, còn các triệu chứng sớm hơn thì lại bỏ qua dẫn đến bỏ sót chẩn đoán đột quỵ nhẹ còn tương đối nhiều, kể cả khi bệnh nhân đã đến bệnh viện.

PGS.TS Lê Văn Trường phân tích, đột quỵ có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, và rất nhiều trường hợp bị đột quỵ nhẹ là khởi đầu cho đột quỵ nặng tiếp theo sau đó. Đáng tiếc, khi bệnh nhân đã đến viện vì các triệu chứng nhẹ như đột ngột nói khó, yếu nhẹ 1 bên tay/chân, vẫn đi lại được, vẫn nói chuyện được, hoặc thậm chí đau đầu cấp tính rất nặng nhưng vẫn tỉnh táo… thì lại được bác sĩ khám bệnh coi là chưa làm sao, kê đơn bán thuốc… Thế là, chỉ sau 1 vài ngày hoặc 1 vài tuần thì đột quỵ nặng gây hôn mê liệt nửa người, thậm chí tử vong đột ngột.

dot-quy-2(1).jpg

Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên, với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn, điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.

Đặc biệt, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.

Để giữ gìn sức khỏe trong những ngày nghỉ lễ dài, chúng ta nên có một chế độ sinh hoạt điều độ, đúng giờ, tránh bị nhiễm nóng, lạnh đột ngột. Bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hay bị suy tim nên dự trữ đủ lượng thuốc trong các ngày nghỉ. Uống thuốc đúng chỉ định, tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi có các triệu chứng bất thường để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Trước ngày đi làm không nên thức quá khuya. Tuyệt đối không uống quá nhiều rượu, bia. Khi có dấu hiệu cần đi khám ngay.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top