Cần ngăn chặn suy nghĩ bạo lực là điều bình thường

(khoahocdoisong.vn) - Theo TS. Chuyên gia giáo dục Liat, Israel, về mặt pháp luật, việc đánh trẻ là sai. Giờ đã ở thế kỷ 21, cần thay đổi tư duy, đừng coi việc đánh đập, bạo lực với trẻ là điều bình thường.

Bạo lực nuôi dưỡng bạo lực

Được biết bà tới Việt Nam để tham dự dự án “Ngăn chặn bạo lực và xâm hại học đường”.  Gần đây, dư luận Việt Nam đang “nóng” chuyện các cô giáo đánh, bắt học sinh quỳ. Bà có suy nghĩ như thế nào về việc này?

Theo tôi, mỗi một nền văn hóa có đặc trưng đặc thù khác nhau. Nhưng hiện tại chúng ta đã ở thế kỷ 21 rồi, việc đánh học sinh, đánh trẻ em đương nhiên là không được phép, pháp luật nhiều nước đã có quy định về việc này.

Còn nếu nhìn ở góc độ xã hội, cô giáo -  một người lớn hơn đánh một người nhỏ hơn thì người nhỏ hơn này lại có thể đánh một em nhỏ hơn nữa. Bởi đứa trẻ hiểu rằng, hành vi này là được phép làm và chúng lại tiếp tục việc bạo lực này với những người khác.

Như vậy là bạo lực lại tiếp tục nuôi dưỡng bạo lực?

Bạn hãy tưởng tượng thế này, cứ mỗi khi trẻ phạm một vài lỗi lầm nhỏ, chúng bị thầy cô, cha mẹ xử lý bằng bạo lực, thì trẻ sẽ cảm thấy bạo lực là điều bình thường. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng, lớn lên trong môi trường bạo lực có thể cũng sẽ dần trở thành một người bạo lực, trong đó có việc để giải tỏa những bức xúc, nỗi khổ bên trong.

Ngoài điều đó, thì một đứa trẻ bị giáo dục bằng bạo lực sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào, thưa bà?

Một đứa trẻ bị cha mẹ hay thầy cô bạo hành sẽ chịu rất nhiều tổn thương. Đầu tiên, trẻ sẽ có cảm giác không được yêu thương, bị thờ ơ, ghẻ lạnh, cảm thấy tự ti, không được coi trọng…

Đặc biệt, trẻ sẽ bị mất niềm tin. Tôi lấy ví dụ, giờ tôi nói với bạn, chúng ta cùng đặt tay lên đầu nào. Nhưng bạn thấy đấy, trong khi bạn đặt tay lên đầu, thì tôi lại để tay xuống cằm. Bạn có cảm thấy bối rối hay không?  

Việc này cũng sẽ giống như tôi là một người giáo viên, tôi luôn nói với học sinh không được bạo lực, bạo hành, sống đạo đức. Nhưng bản thân tôi lại làm việc đó trong thực tế, với chính người mà tôi đã dạy như vậy. Vậy thì, trẻ sẽ không còn tin thầy cô, tin những điều được giảng dạy nữa. Và đó là điều hết sức nguy hiểm.

Cần thay đổi tư duy

Ở Việt Nam, vẫn tồn tại suy nghĩ “yêu cho roi, cho vọt”. Và cho rằng, xưa các thầy cô giáo cũng vẫn đánh mắng, trách phạt học trò, có sao đâu, thậm chí vì thế mà mới nên người. Quan điểm của bà thế nào?

Như tôi đã nói, giờ ở thế kỷ 21, mọi thứ đã thay đổi. Khoan nói đến khía cạnh luật pháp đương nhiên là sai như tôi đã nói, việc đánh, trừng phạt học sinh, đánh đập, bắt học sinh quỳ trong phòng riêng hay trước mặt đứa trẻ khác theo tôi đều là sự xúc phạm, thiếu tôn trọng.

Tôi biết Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, từng chịu cảnh bạo lực, chịu bao nỗi đau khổ. Hiện tại, chúng ta cần phải thay đổi tư duy. Đừng đem những bạo lực trong quá khứ ra để làm hình mẫu, tiếp tục duy trì điều này nữa.

Chứ không phải là cây non thì cần “uốn”, thưa bà?

Bạn cứ thử nghĩ xem giờ là một đứa trẻ nhỏ đang tập đi từng bước nhưng ngay lập tức bạn bắt nó đi nhanh ngay thì liệu trẻ có đi được không?

Đừng nghĩ rằng, một đứa trẻ ngây thơ không biết gì, muốn cư xử thế nào cũng được. Một đứa trẻ hoàn toàn có cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Nếu cho rằng cần đưa ra các quy tắc buộc đứa trẻ phải tuân theo thì sẽ giáo dục nên một con người robot. Mà robot thì không phải là con người của thế kỷ 21. Thế kỷ 21 là con người của sáng tạo, tư duy.

Nhưng một lớp học, sẽ có nhiều cá tính khác nhau. Có luồng ý kiến cho rằng, với những trẻ “hư”, thì cũng cần có cách xử lý “mạnh tay”?

Theo tôi, trước tiên chúng ta cần hiểu rằng không có đứa trẻ nào xấu, chỉ có những đứa trẻ đang có những nỗi khổ và phải chịu đựng điều gì đó bên trong. Và khi chúng phải chịu đựng, chúng sẽ lựa chọn phản ứng. Chúng thường sẽ tìm một cách để có thể giải tỏa cảm xúc, trong đó có các hành vi được coi là “hư”.

Việc sử dụng biện pháp giáo dục đánh đập sẽ càng làm cho những bức xúc trong trẻ tăng lên, và trẻ lại càng tìm cách để giải tỏa bằng cách này hay cách khác.

Giáo dục một đứa trẻ phải đứng từ góc độ bền vững và lâu dài, chứ không phải buộc trẻ vâng lời bằng bạo lực hay mệnh lệnh.

Giáo viên phải biết cách kiểm soát cảm xúc

Vậy theo bà, với những đứa trẻ như vậy, đặc biệt là với trẻ có xu hướng thích bạo lực, thì cần có cách giáo dục thế nào?

Đầu tiên, tôi đề nghị giao cho trẻ một vài nhiệm vụ, vài nguyên tắc để chúng phải tự nhận thấy cần trở nên tốt hơn, để khiến chúng phải suy nghĩ về việc tìm cách khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn

Thứ hai, có thể giao cho đứa trẻ này được làm người hướng dẫn cho các bạn khác, để trẻ có cảm giác được tôn trọng, ghi nhận.

Thứ ba, tôi thường hay tập hợp trẻ lại và chơi với chúng, để trẻ bộc lộ cảm xúc của mình. Đặc biệt, một đứa trẻ sử dụng bạo lực thường có vấn đề từ bên trong. Thay vì để trẻ bộc lộ vấn đề đó ra ngoài bằng bạo lực, thì hãy để trẻ giải quyết bằng hình thức khác, trong đó, chơi cũng là một hình thức.

Nhiều clip thầy cô đánh học trò đặt ra việc kiếm soát cảm xúc của giáo viên. Theo bà, giáo viên cần làm gì để  kiểm soát cảm xúc của mình?

Đối với câu hỏi này phải làm rất nhiều việc. Ở nước tôi, tôi có 6 tháng làm việc với các giáo viên, hướng dẫn, dạy họ cách làm sao để ứng xử với học sinh, phụ huynh. Nhưng cơ bản, người giáo viên cần có ý thức trong tất cả những tương tác của mình. Và phải thay đổi tư duy.

Trân trọng cảm ơn bà!

Chúng ta cần phải ngăn chặn việc một đứa trẻ nghĩ rằng bạo lực là một điều bình thường vì nó không hề bình thường một chút nào. Chúng ta phải hiểu rằng bất kỳ ai cũng có mong muốn được yêu thương và tôn trọng. Đứa trẻ cũng vậy.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top