Cần “mạnh tay” điều tra xử lý doanh nghiệp chuyển giá

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Tài chính vừa gửi Thủ tướng kết quả tổng hợp phân tích tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI). Báo cáo cho thấy, đến hết năm 2019, có 14.822 doanh nghiệp (DN) FDI lỗ lũy kế, chiếm 66% DN báo cáo. Đây là điều vô lý tồn tại nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Formosa Hà Tĩnh số đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng với những ưu đãi dành cho doanh nghiệp lớn này.

Formosa Hà Tĩnh số đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng với những ưu đãi dành cho doanh nghiệp lớn này.

Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế 25,3 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, năm 2018 và 2019, 2 DN FDI lớn nhất trong nhóm ngành “Sản xuất sắt, thép và kim loại khác” là Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina có kết quả sản xuất kinh doanh suy giảm, đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) rất hạn chế. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản Formosa Hà Tĩnh hơn 286,8 nghìn tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 38,9 nghìn tỷ đồng, hàng tồn kho 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả 185,9 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 64,3 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn 121,5 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 100,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 118,3 nghìn tỷ đồng, lỗ lũy kế 25,3 nghìn tỷ đồng.

Các con số tài chính của Formosa Hà Tĩnh cho thấy hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 25,4 nghìn tỷ đồng, dẫn đến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,6 lần. Hàng tồn kho lớn cùng với việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, dẫn đến khả năng thanh toán nhanh ở mức rất thấp với hệ số là 0,19 lần. Các hệ số thanh toán đều ở mức thấp cho thấy DN đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. Doanh thu sản xuất kinh doanh và doanh thu hoạt động tài chính năm 2019 của DN này đạt 72 nghìn tỷ đồng (tăng 11,7% so với năm 2018), song số lỗ năm 2019 lên tới 11,5 nghìn tỷ đồng (gấp 4,2 lần năm trước). Số nộp NSNN năm 2019 chỉ 51,6 tỷ đồng.

Tương tự Formosa Hà Tĩnh, Cty Posco Yamoto Vina, tính tới 31/12/2019, tổng tài sản công ty 19,9 nghìn tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 11 nghìn tỷ đồng (hàng tồn kho 1,2 nghìn tỷ đồng). Nợ phải trả lên tới 15,649 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 15,646 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn 2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 4,3 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu 7,1 nghìn tỷ đồng, lỗ lũy kế 8,9 nghìn tỷ đồng. Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,71 lần. Hệ số khả năng thanh toán nhanh cũng ở mức thấp là 0,56 lần cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ. Doanh thu sản xuất kinh doanh và doanh thu tài chính của Posco Yamoto Vina năm 2019 là 10,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức 12,9 nghìn của năm 2018. Năm 2019, DN báo lỗ 2,7 nghìn tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần năm 2018. Số nộp NSNN năm 2019 là 41 tỷ đồng.

Thống kê BCTC trên báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng cho thấy, đến cuối năm 2019 có 25.054 DN FDI đầu tư vào Việt Nam nhưng chỉ có 22.603 DN có dữ liệu BCTC đầy đủ để phân tích. Theo đó, doanh thu năm 2019 của các DN FDI đạt hơn 7,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 720 nghìn tỷ so với năm kế trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của DN FDI đạt khoảng 387 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 324,4 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2019, có 9.494 DN báo lãi, chiếm tỷ lệ 45% số DN có báo cáo. Còn lại 55% DN báo lỗ, tương đương con số 12.455 DN lỗ. Đáng chú ý, doanh thu của 55% DN FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, doanh thu của các DN FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên.

Cần lập đội “đặc nhiệm” chống chuyển giá

Về DN FDI lỗ lũy kế nhiều năm trên báo cáo tài chính, Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2019 có 14.822 DN FDI lỗ lũy kế, chiếm 66% DN báo cáo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các DN FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỷ đồng. Ngoài ra, số DN FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 DN, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế diễn ra ở một số DN FDI rất đáng chú ý. Có DN luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước (NSNN). Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina tổng doanh thu vẫn tăng nhưng nộp NSNN lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống còn 92,6 tỷ đồng. Số đóng góp cho NSNN chưa tương xứng với những ưu đãi lớn về thuế và đất đai, tài nguyên... dành cho những DN lớn này.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, thông thường, một DN thua lỗ 3 năm liên tiếp phải tính chuyện đóng cửa, song rất vô lý là có những DN 15 - 20 năm vẫn báo lỗ và không ngừng mở rộng sản xuất. Ngành Thuế cần xem xét khoản lỗ này là lỗ thực hay lỗ chuyển giá? Để điều tra DN FDI dấu hiệu chuyển giá, cơ quan chuyên môn cần liên kết với cơ quan chuyên môn của quốc gia mà DN FDI có trụ sở chính. Từ đó, xác minh, làm rõ chi phí thật linh kiện nhập khẩu.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, con số 66% DN FDI báo lỗ là đáng báo động và khó chấp nhận. Cần tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao lại để xảy ra tình trạng nhiều DN lỗ như vậy. “Dấu hiệu để nhận biết hiện tượng chuyển giá là DN báo lỗ liên tục một số năm nhưng doanh thu tăng, hoạt động sản xuất mở rộng. Có thể các DN đã chủ động để lỗ 3 năm, sau đó 1-2 năm có lãi ít, để rồi lũy kế vẫn lỗ”, ông Thắng nhận định.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc thanh tra, kiểm tra đối với những DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng này. Cần thiết phải có một bộ phận chuyên trách về thanh tra, kiểm soát chống chuyển giá, hay còn gọi là “đặc nhiệm chống chuyển giá” thay vì kiêm nhiệm như hiện hành

Theo Đời sống
back to top