Cần công khai những bài đoạt giải cao thi học sinh giỏi quốc gia

Theo các giáo viên, cần công khai những bài đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, công khai đáp án, điểm thi, thể hiện sự minh bạch.

Không bố đáp án thi học sinh giỏi quốc gia, Bộ sai quy chế?

Ngày 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố đề thi và đáp án kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2021-2022.

Đây là lần đầu tiên Bộ công bố đáp án sau rất nhiều năm không thực hiện việc này.

Điều đáng nói, việc công bố đáp án các môn thi của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đã có trong quy chế từ năm 2014.

Cụ thể, tại Điều 20, Thông tư số 22 về quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 25/8/2014, nêu rõ: “Đề thi và đáp án của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia phải được công bố trên website Bộ GD&ĐT ngay sau khi chấm thi xong”.

Như vậy, Bộ GD&ĐT đã không thực hiện quy chế do chính Bộ ban hành.

Một số giáo viên cho biết, họ đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT nhiều năm nay về việc này. Bởi vì, việc công bố đáp án các môn thi của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có ý nghĩa không chỉ với học sinh mà với cả giáo viên. Theo đó, các học sinh sẽ học được cách làm bài, tiếp thu được thêm kiến thức. Còn giáo viên cũng có thêm những kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng đội tuyển. Tuy nhiên, kiến nghị không có kết quả.

Cần công khai những bài thi đạt giải cao

Không chỉ công khai đáp án, nhiều giáo viên cho rằng, Bộ GD&ĐT cần công khai những bài thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải cao.

“Khi còn là học sinh cấp 2, tôi mượn được của cô giáo dạy Văn tuyển tập những bài văn đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Tôi đã phải chép tay từng bài văn vào một cuốn vở, do ngày đó máy photocopy chưa phổ biến như bây giờ. Sau đó, tôi và các bạn cùng nhau đọc di đọc lại, học hỏi ở các bài văn đó được rất nhiều. Từ cách mở bài, cách triển khai… Rất là quý. Tôi không hiểu tại sao hiện giờ Bộ GD&ĐT lại không cho công bố những bài đạt giải cao nữa. Điều đó rất đáng tiếc”, cô giáo Nguyễn Lan Phương, giáo viên dạy đội tuyển Văn chia sẻ.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho biết cũng cho rằng, thầy từng đề xuất nhiều lần với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc nên công bố công khai một số bài thi của các thí sinh đạt giải cao. Bởi sẽ giúp các em học sinh học hỏi cách làm từ những bài làm xuất sắc.

“Bài thi học sinh giỏi quốc gia nếu không nằm trong danh mục “bí mật quốc gia” thì hoàn toàn có thể công bố, không có gì phải giấu giếm. Tôi đã nhiều lần đề xuất với Bộ về việc này, nhưng vẫn chưa thấy Bộ thực hiện”, thầy Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều giáo viên đặt câu hỏi nghi ngờ, việc không công bố những bài thi đạt giải cao liệu có liên quan đến chất lượng của kỳ thi? Chẳng hạn, vì không “tự tin”, sợ dư luận có ý kiến trái chiều, hoặc vì một vấn đề nào đó thì mới “không dám” công khai như vậy.

Minh bạch mới tạo dựng được niềm tin, thúc đẩy học tập

Ngày 29/3, Bộ GD&ĐT đã công bố điểm thi học sinh giỏi quốc gia. Tuy nhiên trước đó, Bộ chỉ công bố điểm thi duy nhất là môn Ngoại ngữ. Các môn còn lại, phần ghi điểm bỏ trống.

thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-4.jpg
Chỉ có môn thi tiếng Anh là công bố điểm thi. Ảnh chụp màn hình.

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, thầy giáo Hồ Đắc Phương, phụ trách đội tuyển Tin học, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, hàng chục năm nay, khi công bố giải các kỳ thi HSG Quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm thi và công khai giữa các Sở.

thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-3.jpg
Phần cột ghi điểm các môn thi (không phải môn Ngoại ngữ) đều bỏ trống. Ảnh chụp màn hình.

Việc công bố điểm thi học sinh giỏi quốc gia sẽ giúp các học sinh biết được điểm yếu của mình ở đâu để khắc phục.

Đặc biệt, sẽ giúp nhà trường biết được học sinh nào sẽ vào vòng 2 kỳ thi quốc tế để tiếp tục ôn thi cho các em (một số kỳ thi đã cận kề trong tháng 5) hay cho các em dừng lại khẩn trương để ôn thi tốt nghiệp.

“Tôi thật không rõ chuyện gì đang xảy ra. Liệu có vấn đề gì liên quan đến sự minh bạch hay không? Trong khi giáo viên rất sốt ruột về việc công bố điểm thi, thì động thái của Bộ lại dường như bình tĩnh. Bất kỳ một kỳ thi nào cũng có những quy định, quy chế. Công việc quốc gia, chúng ta nên đặt quốc gia và quyền lợi của học sinh lên trên, Bộ GD&ĐT không thể thay đổi một cách 'tùy hứng' được”, thầy Phương nói.

Trao đổi với Khoa học và Đời sống về kiến nghị của giáo viên, đại diện Cục Quản lý chất lượng khẳng định Bộ sẽ gửi điểm thi cho tất cả thí sinh. Tuy nhiên, rất có thể Bộ sẽ không công khai điểm thi của tất cả các thí sinh tham dự kỳ thi mà điểm thi của đội tuyển tỉnh nào gửi về Sở của tỉnh đó. Việc này nhằm tránh những thí sinh bị trượt, hoặc điểm kém bị công khai điểm rộng rãi, có thể ảnh hưởng tâm lý không tốt tới các em.

Trong khi đó, thực tế, theo thầy Hồ Đắc Phương, trong bảng công bố điểm không có tên thí sinh, chỉ có số báo danh, sẽ không ảnh hưởng tới ‘bí mật cá nhân’ của các em. Ngoài ra, môn Ngoại ngữ cũng đã công bố điểm thi và công khai giữa tất cả các đội tuyển. Cho nên, câu trả lời của Bộ GD&ĐT là không thuyết phục.

Dù Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh việc công bố đáp án, công bố điểm thi theo kiến nghị của các giáo viên, tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, lẽ ra, chưa cần có ý kiến của giáo viên, Bộ đã cần phải làm như vậy. Đặc biệt là đối với việc bất ngờ không công bố điểm thi.

Càng công khai, minh bạch sẽ càng tạo dựng được niềm tin. Và đó sẽ là động lực để thúc đẩy phong trào “học thật, thi thật”, không có bất cứ một nghi ngờ nào về sự minh bạch cũng như chất lượng của một kỳ thi quốc gia.

Ngày 29/3/2022, Bộ GD&ĐT đã thông báo mức điểm thí sinh được tuyển chọn tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic năm 2022 đối với các môn: Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học.

Cụ thể, đối với môn Toán, thí sinh cần đạt điểm từ 25,5 trở lên.

Với môn Vật lý, thí sinh cần có điểm thi đạt từ 24,75 trở lên.

Với môn Hóa học, thí sinh cần có điểm thi đạt từ 24,125 trở lên.

Với môn Sinh học, thí sinh cần có điểm thi đạt từ 25,75 trở lên.

Với môn Tin học, thí sinh cần có điểm thi đạt từ 24,42 trở lên.

Năm nay, có hơn 2.200 thí sinh đạt giải, trong đó Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh đạt giải nhiều nhất với 125 giải, đứng vị trí tiếp theo là Hải Phòng 85 giải, Hải Dương 82 giải…

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top