Cần cơ chế trả thưởng báo tin vi phạm an toàn thực phẩm

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đề  xuất: cần có cơ chế trả thưởng báo tin vi phạm an toàn thực phẩm.

Tại buổi sơ kết 1 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TPHCM, theo báo cáo, sau một năm thực hiện (tính đến ngày 28/02/2018 – PV), Ban Quản lý ATTP đã kiểm tra an toàn thực phẩm đối với  967 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 18%), ban hành 119 quyết đinh xử phạt với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Hiện Ban đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến hơn 803 triệu đồng (chưa kể số lượng kiểm tra liên ngành của quận – huyện).

Công tác kiểm tra lấy mẫu và test nhanh của Đội quản lý ATTP số 10 tại chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM)

Ngoài ra, các Đội Quản lý ATTP phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền hơn 44 triệu đồng, tiến hành thu hồi/tịch thu/tiêu hủy: tạm giữ 1.400 kg răng mực, 2.500 kg mực ống; tiêu hủy 34.737 kg sản phẩm động vật, 123 kg thịt gia cầm, 134 kg thực phẩm các loại.

Bên cạnh đó, qua đường dây nóng (số điện thoại 39301714), Ban đã tiếp nhận 57 cuộc gọi phản ánh về vi phạm an toàn thực phẩm. Từ thông tin phản ánh, tố cáo lực lượng thanh tra đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm những cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan qua 1 năm thí điểm đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể trong xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống: đòi hỏi kết quả kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn. Quy trình xử lý phức tạp không theo kịp thực tế, gây mất sức cho đội ngũ quản lý và tạo tâm lý cầu an, né tránh.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM báo cáo và đề xuất cần cơ trả thưởng báo tin vi phạm an toàn thực phẩm tại buổi sơ kết 1 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TPHCM.

Trong vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y thì mức phạt chưa đủ tính răn đe. Do đó cần bổ sung những quy định kiểm soát từ nguồn, trong quá trình nuôi trồng, thu hoạch chứ không để đến lúc gây hậu quả. Ví dụ: vụ việc heo bị tiêm thuốc an thần cho thấy yêu cầu phải kiểm soát nguồn thuốc, không để thương lái mua tự do.

Đặc biệt trong  kiểm soát không để phụ gia công nghiệp trà trộn với phụ gia thực phẩm vẫn chưa có quy định phù hợp. Ngoài ra, các chính sách phải được ban hành cùng cơ chế giải pháp. Ví dụ: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP rất tiến bộ khi thể hiện quan điểm đề cao hậu kiểm, doanh nghiệp được tự công bố và phải chịu trách nhiệm;nhưng thiếu cơ chế đủ mạnh để tăng hậu kiểm như nhân lực, quyền hạn xử lý vi phạm, mức phạt,…

Công tác thanh tra ATTP của Đội quản lý ATTP số 9 tại chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM).

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trong năm 2018 sẽ chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò Hội đồng tư vấn khoa học, phối hợp Sở Khoa học Công nghệ tiến hành các đề tài mang tính ứng dụng cấp thiết cho công tác bảo đảm ATTP thành phố. Ban sẽ tập trung nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ, trên cơ sở thực hiện các dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Ngoài ra, đề nghị UBND TP.HCM, các ngành chức năng liên quan có các hướng dẫn về sử dụng nguồn phí, lệ phí và kinh phó xử phạt; cơ chế trả thưởng báo tin vi phạm an toàn thực phẩm, cũng như cơ chế áp dụng linh hoạt hơn về kinh phí xử lý tang vật, kinh phí kiểm nghiệm,… Thực tế là các quy trình của chúng ta rất chậm: từ kinh phí mua xe chuyên dụng, trang bị máy tính, mua trang thiết bị,… đến sửa chữa, bố trí trụ sở,…

Thủy Nguyễn – Thanh Trúc

Theo Đời sống
back to top