Cần chiến lược dài hạn cho an ninh nguồn nước

(khoahocdoisong.vn) - Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ và gia tăng dân số nhanh chóng đang làm suy thoái nguồn nước. Trong khi việc quản lý, sử dụng nguồn nước và xử lý các vấn đề ô nhiễm chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu càng làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên trầm trọng, khó lường.

Hiện hữu nhiều nguy cơ

Tài nguyên nước của Việt Nam phân bố rất không đều cả về không gian và thời gian. Tổng lượng dòng chảy năm tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu trong mùa mưa, chỉ kéo dài khoảng từ 3 đến 5 tháng, các tháng mùa khô còn lại lượng nước chỉ chiếm từ 20 đến khoảng 30%.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, an ninh tài nguyên nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ những thách thức đối với an ninh nguồn nước từ những nguyên nhân do con người tạo ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những thách thức từ biến đổi khí hậu.

Nhu cầu về sử dụng nước ngày càng tăng cao trong khi nguồn nước ngày càng suy thoái. Tình trạng khai thác nguồn nước ngầm và việc phát triển các đập nước cũng khiến khối lượng và chất lượng tài nguyên nước suy giảm. Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tăng cao, đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và khả năng tiếp cận nước sạch của người dân.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết trở nên cực đoan hơn, khiến lượng mưa thay đổi, gia tăng các đợt lũ lụt và hạn hán cả về tần suất và mức độ. Dòng chảy kiệt, nước ngầm suy giảm đáng kể kết hợp với mực nước biển có xu hướng tăng cao dẫn đến triều cường và xâm nhập mặn gia tăng, gây ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Tất cả những điều đó đã và đang làm cho cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường, an ninh nguồn nước bị đe dọa một cách nghiêm trọng.

Lãnh đạo Bộ TN&MT nhìn nhận, hiện Việt Nam đang có 5 thách thức đối với an ninh nguồn nước, gồm: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên nước; biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam; quản trị nước.

Kế hoạch chiến phát triển chiến lược

Để giải quyết những khó khăn này, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, trước hết, Bộ TN&MT sẽ tiến hành tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia nhằm nắm chắc nguồn tài nguyên nước Việt Nam và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó sẽ hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt. Lấy đó làm cơ sở để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc khai thác sử dụng nước và xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước…

Sẽ sửa đổi Luật Tài nguyên nước theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) theo phương thức xã hội hóa. Mặt khác, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước.

Bộ TNMT cũng sẽ có quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nước cho các mục đích sử dụng và việc thực thi các điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước. Chủ động đưa ra các các giải pháp, đối sách trong hợp tác khai thác, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới trong khuôn khổ hợp tác đa phương và song phương.

Sự phát triển rất nhanh của nước ta luôn tỷ lệ thuận với cạn kiệt tài nguyên, môi trường ô nhiễm. Do đó, khai thác, sử dụng nước phải hiệu quả, tiết kiệm, đa mục tiêu, hài hòa các lợi ích trong bối cảnh nguồn nước suy giảm do BĐKH là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang bị đe dọa, tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang ngày càng trầm trọng ở nhiều lưu vực sông trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, việc đảm bảo an ninh nguồn nước cần phải đặt vào mục tiêu chiến lược, có quy hoạch dài hạn, ít nhất đến 2045 và có tầm nhìn phân khúc từng giai đoạn. Trước mắt và lâu dài phải tạo được nguồn nước tự sinh, giảm nguồn nước phụ thuộc, đặt ra kịch bản thống nhất để có giải pháp; xây dựng hệ thống trữ nước, chính sách trồng rừng sinh thủy; quản lý nguồn nước ngầm.
 

Theo Đời sống
back to top