Cần cách tiếp cận mới về sử dụng năng lượng

(khoahocdoisong.vn) - Tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 40% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng, Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp hiện chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, vào khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030 nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.

Trong khi đó, hiện hệ thống phát điện Việt Nam có tổng công suất khoảng 54.000 MW, bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện trong năm 2020 cần khoảng 60.000 MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000 MW công suất nguồn điện.

Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ. Việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện còn gặp nhiều khó khăn.

So với mức trung bình của thế giới, tiêu thụ năng lượng Việt Nam chỉ bằng khoảng 30-35%, tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 60%. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, vấn đề sử dụng năng lượng bền vững và hiệu quả mới là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.

Trong khi đó, dư địa năng lượng tại Việt Nam rất lớn, mật độ năng lượng cao so với nhiều nước trên thế giới và hoàn toàn triển khai hiệu quả rất cao. Vì vậy, trong thời gian tới, giải pháp cần triển khai thực hiện đó là hoàn thiện, xây dựng, đồng bộ cơ chế thị trường năng lượng, trong đó, cơ chế vừa phải tạo ra động lực vừa là áp lực, để cả giai đoạn năm 2019 -2030 phải tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top