Cadivi: Tốt vay, dày nợ, thiếu tiền

(khoahocdoisong.vn) - Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi - HOSE: CAV) đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 3/2020, báo lãi ròng 285,6 tỷ đồng, giảm 28% so với 9 tháng đầu năm 2019. Nợ phải trả tăng cao, khả năng thanh toán tiền mặt của Cadivi gần như không có.

Chi phí lãi vay kéo giảm lợi nhuận

Doanh thu của Cadivi trong quý 3/2020 đạt 2.969 tỷ đồng, đưa tổng doanh thu của cả 9 tháng năm 2020 lên tới 7.481 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cuối năm 2019. Mặc dù đây là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của Cadivi, nhưng kết quả kinh doanh lại có chiều hướng chững lại và đi xuống.

Theo BCTC, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Cadivi đạt 115 tỷ đồng giảm 28% so với quý 2/2020 và giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 9 tháng, hoạt động kinh doanh của Cadivi mang về khoản lợi nhuận 355 tỷ đồng, giảm 27,4%.

Kết thúc 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Cadivi đạt 368 tỷ đồng, giảm 38% so với quý 2/2020, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của lãnh đạo Cadivi, kết quả kinh doanh giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chi phí giá vốn bán hàng thành phẩm cũng như chi phí trả lãi vay tăng cao mới là nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận của công ty. Đặc biệt, chi phí lãi vay tính đến cuối tháng 9/2020 là 89 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là trong năm 2020, Cadivi tích cực vay thêm vốn từ ngân hàng với số dư nợ 2.238 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm.

Hầu hết các khoản vay ngắn hạn ngân hàng của Cadivi đều không cần đến tài sản đảm bảo, tức là vay tín chấp kinh doanh, dù số vay nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoản vay từ Vietcombank lên tới 573 tỷ đồng có lãi suất rất thấp, chỉ 2,8 - 4,5%. Việc Vietcombank cho Cadivi vay tín chấp với lãi suất cực thấp, hơn cả lãi suất huy động là điều dễ hiểu. Bởi Cadivi đang có khoản đầu tư góp vốn dài hạn tới 2.179 tỷ đồng vào ngân hàng này.

Ngoài nợ ngân hàng, Cadivi còn các khoản nợ khác như nợ 66 tỷ đồng tiền thuế (trong đó có 56 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp), nợ người lao động 46 tỷ đồng và khoản phải trả người bán lên tới 842 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của Cadivi tại thời điểm cuối tháng 9/2020 là 3.656 tỷ đồng, tăng 49% so với  điểm 1/1/2020. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) là 214%. Tỷ lệ này khá lớn so với một số công ty cùng ngành cung cấp dây cáp điện. Ví dụ, Hệ số D/E của CTCP Dây cáp điện Taya Việt Nam là 90,7%, Cáp điện Trần Phú là 71%.

Hệ số D/E càng lớn, doanh nghiệp càng gặp khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt khi chi phí lãi vay tăng cao. Tuy nhiên, cũng không loại trừ  khả năng doanh nghiệp sử dụng vay nợ như một công cụ để giảm bớt thuế, vì chi phí lãi vay được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thiếu hụt dòng tiền

Hội đồng quản trị Cadivi đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch đưa doanh thu hợp nhất cả năm 2020 đạt 10.392 tỷ đồng, tăng 13% (tương ứng tăng 1.238 tỷ đồng) so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2020 chỉ đạt 501 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2019. Đến nay, Cadivi đã hoàn thành 73% chỉ tiêu.

Có thể thấy rằng, HĐQT Cadivi đã lường trước được tình hình khó khăn trong năm 2020 khi đặt ra chỉ tiêu thấp hơn năm trước.

Dòng tiền của Cadivi liên tục thiếu hụt.

 Dòng tiền của Cadivi liên tục thiếu hụt. 

Từ năm 2019, hoạt động kinh doanh của Cadivi không có nhiều hiệu quả dù vẫn báo lãi. Dòng tiền lưu chuyển thuần của cả năm âm 86 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 176 tỷ đồng, hoạt động đầu tư âm 252 tỷ đồng.

Cho đến cuối tháng 9/2020, hoạt động kinh doanh của Cadivi tiếp tục đẩy dòng tiền lưu chuyển trong kỳ xuống âm hơn 343 tỷ đồng. Biến động hàng tồn kho và các khoản phải thu là lý do khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của Cadivi thêm thiếu hụt.

Cụ thể, hàng tồn kho của Cadivi trong 9 tháng đầu năm đã tăng 26%, tương đương 340 tỷ đồng lên 1.632 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho chiếm 30% tổng tài sản của Cadivi, chủ yếu là thành phẩm. Hiện Cadivi đã trích lập dự phòng rủi ro gần 18 tỷ đồng cho số hàng tồn kho thành phẩm này do không có khả năng tiêu thụ.

Các khoản phải thu của Cadivi trong 9 tháng qua tăng 863 tỷ đồng, đưa các khoản phải thu của công ty cả trong ngắn hạn và dài hạn lên 2.021 tỷ đồng. Chiếm phần lớn con số này là khoản phải thu ngắn hạn khách hàng với 1.521 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiền trả lãi vay cũng khiến hao hụt 91 tỷ đồng dòng tiền kinh doanh của công ty.

Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt của Cadivi là rất thấp, chỉ dao động ở mức 0,02 - 0,03%, trong khi tỷ lệ có thể chấp nhận được là xấp xỉ 0,5%. Khả năng thanh toán nợ của dòng tiền hoạt động kinh doanh trong kỳ là âm 11,2%. Có nghĩa, nếu trường hợp xấu xảy ra, Cadivi không thể thanh toán được nợ trong ngắn hạn.

Mặc dù, Cadivi đã phải tăng cường đi vay hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng vẫn không thể bù đắp cho dòng tiền thiếu hụt trong kỳ. Tổng dòng tiền đã thu vào nhỏ hơn tổng dòng tiền đã chi ra, thể hiện quy mô vốn bằng tiền của Cadivi đang bị giảm sút, ảnh hưởng đến mức độ an toàn ngân quỹ của Cadivi.

Điều đó cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, cũng như trong việc thu tiền của khách hàng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của doanh nghiệp như ứ đọng, vốn bị chiếm dụng gia tăng, nguồn tài trợ tăng, chi phí sử dụng vốn tăng… Lợi nhuận có cũng chỉ là những con số được ghi nhận trên sổ sách.

Theo Đời sống
back to top