Cách xử lý sốt cho trẻ trong mùa dịch

(khoahocdoisong.vn) - Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xử trí như thế nào khi con sốt và bao giờ cần đưa con đi khám... là những điều cơ bản nhất cha mẹ trẻ cần phải nắm được.

Sốt có nguy hiểm không?

Sốt là một biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Sốt là phản ứng sinh lý của cơ thể, thường gặp ở trẻ nhỏ. Sốt có thể là triệu chứng duy nhất, cũng có thể là một biểu hiện đầu tiên cho rất nhiều bệnh lý khác nhau. Hầu hết sốt là do nhiễm virus tự giới hạn, nhưng phải loại trừ các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và các nguyên nhân khác. Phần lớn trẻ sốt do bệnh virus nhẹ, tự khỏi, một số ít có thể có nguy cơ nhiễm trùng đe dọa tính mạng.

Nhiều người lo ngại sốt không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương não, co giật và tử vong, mặc dù có bằng chứng ngược lại.

Hệ thần kinh trung ương của trẻ có thể chịu đựng được mức nhiệt khắc nghiệt (lên đến trên 41,5 độ C). Trong khi đó sốt là hiện tượng sinh lý có kiểm soát và nhiệt độ trên 41 độ C là rất hiếm. Do đó, biến cố bất lợi sau khi bị sốt có liên quan đến tình trạng cơ bản hơn là do nhiệt độ tăng. Và nghịch lý là các tác dụng không mong muốn và hay gặp lại liên quan đến thuốc hạ sốt

Sốt đóng một vai trò sinh lý trong phản ứng với nhiễm trùng, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và sự nhân lên của virus và tăng cường phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, các phân tích tổng hợp gần đây không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng thuốc hạ sốt kéo dài thời gian ốm ở trẻ em. Vì vậy, việc điều trị hạ sốt nên được dành cho trẻ đang sốt cao hoặc đau hay có tình trạng sức khỏe bất lợi.

Xử trí cơn sốt

Các phương pháp điều trị vật lý như tắm nước lạnh, ngâm người trong bồn nước lạnh không được khuyến cáo vì hiệu quả thấp và có thể khiến trẻ đau, không nên cởi bỏ hết quần áo để tránh nóng hoặc đắp thêm chăn để tránh bị run.

Chườm ấm được xem như biện pháp điều trị hỗ trợ an toàn, nhiệt độ nước chườm tốt nhất là dưới thân nhiệt trẻ khoảng 2 độ C, chườm ấm giúp làm giảm hiện tượng co mạch ngoại vi, giúp trẻ thoát nhiệt tốt hơn. Cha mẹ có thể chườm vào các vị trí như nách, bẹn, trán.

Paracetamol và Ibuprofen là hai loại thuốc hạ sốt được sử dụng ở trẻ em, được xem là an toàn, hiệu quả như nhau để giảm nhiệt độ và giảm khó chịu. Liệu pháp kết hợp của hai loại hạ sốt này dường như có hiệu quả hơn một chút trong việc giảm thân nhiệt nhưng lại có tăng nguy cơ tổn thương thận và các tác dụng phụ khác. Vì vậy, trong một sốt trường hợp có thể cân nhắc sử dụng xen kẽ paracetamol và ibuprofen nếu loại thuốc đã dùng trước đó không làm giảm cơn đau của trẻ hoặc nếu cơn đau tái phát trước khi dùng liều tiếp theo.

Liều dùng: Paracetamol: 10 – 15mg/kg/lần, cách ít nhất 4 giờ; Ibuprofen: 10mg/kg/lần, cách ít nhất 6 giờ.

Khi nào cần đi khám: Trẻ dưới 3 tháng tuổi, sốt từ 38 độ C trở lên dù không có biểu hiện bất thường khác vẫn cần được đưa đi khám; Sốt kéo dài hơn 2 ngày (48 giờ); Thân nhiệt cao từ 40 độ C trở lên, hoặc kèm các biểu hiện bất thường khác như co giật, nổi ban, ho nhiều, thở nhanh, nôn nhiều, suy giảm ý thức… hay trẻ có tiền sử có bệnh lý tim mạch, thần kinh…

Cách đo và sử dụng các loại nhiệt kế

Nhiệt độ cơ thể có thể đo được ở nhiều vị trí khác nhau như nách, trực tràng, miệng, da, tai. Có sự khác biệt đáng kể giữa các vị trí đó lường. Nhiệt độ trực tràng được coi là chính xác nhất để ước tính nhiệt độ cơ thể và được Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị cho trẻ em dưới 4 tuổi, tuy nhiên, việc sử dụng nó không được khuyến khích do những sự khó chịu về thể chất và tâm lý mà nó có thể gây ra. Các vị trí đo khác kém chính xác hơn nhưng có thể áp dụng dễ dàng và an toàn hơn. Trong đó đo nhiệt độ ở nách được xem là khả thi vì có độ chính xác hợp lý và đáng tin cậy mặc dù nó các giá trị có xu hướng thấp hơn đo ở trực tràng khoảng 0,5 độ C.

Trên thị trường có nhiều loại nhiệt kế khác nhau:

- Nhiệt kế điện tử cho kết quả nhanh, được khuyến nghị sử dụng cho trẻ sơ sinh.

- Nhiệt kế thủy ngân chính xác hơn so với nhiệt kế điện tử, tuy nhiên nó phải được duy trì tại chỗ trong 5 phút nên việc sử dụng ở trẻ có thể gặp 1 số khó khăn.

- Nhiệt kế đo trán bằng hóa chất không đáng tin cậy.

- Nhiệt kế hồng ngoại đo ở tai hoặc trán độ nhạy không tối ưu và không chính xác ở trẻ dưới 3 tháng tuổi

- Nhiệt kế động mạch thái dương và nhiệt kế hồng ngoại không tiếp xúc ở trán cũng có tính chính xác ở trẻ em chưa được khẳng định.

ThS.BS Nguyễn Hoài Nam (Khoa Nhi - Tim mạch và Khớp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top