Cách trị chứng mất ngủ

Nếu một người không ngủ đủ từ 6 đến 8 giờ trong một ngày sẽ cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, thiếu sức sống, từ đó ảnh hưởng đến năng suất làm việc, giảm khả năng tiếp thu. Sau đây, báo Khoa học & Đời sống xin giới thiệu một số cách trị chứng mất ngủ.

Cách trị chứng mất ngủ (ảnh minh hoạ)

Ngoài một số nguyên nhân gây mất ngủ do tác dụng phụ của thuốc hoặc do sử dụng chất kích thích thì mất ngủ cũng do một số nguyên nhân như: Ăn nhiều thực phẩm chứa protein vào buổi tối, tập thể dục gần giờ đi ngủ, lo lắng về việc ngủ đủ giờ…

Thứ nhất: Không nên ăn nhiều thực phẩm giàu protein vào bữa tối. Protein cần có nhiều thời gian và năng lượng để tiêu hóa. Nếu bạn có thói quen ăn nhiều thực phẩm giàu protein vào buổi tối trước khi đi ngủ thì vô hình chung bạn đang ép cơ thể mình phải làm việc cật lực để tiêu hóa hết lượng thức ăn đó. Do đó lời khuyên cho bạn khi cảm thấy đói bụng vào buổi tối, hãy dùng ít thức ăn nhẹ như một chiếc bánh gạo hoặc bánh quy để sau đó không bị mất ngủ.

Thứ hai: Không nên uống cà phê vào buổi tối. Hệ tiêu hoá cần từ 45 phút đến 1 tiếng để tiêu thụ hết caffeine. Sau đó caffeine sẽ lưu lại trong cơ thể khoảng vài giờ. Đó là lý do tại sao khi uống cà phê hoặc các chế phẩm có caffeine, người ta cảm thấy hưng phấn hơn, kéo dài đến vài tiếng đồng hồ. Do đó để tránh cho cơ thể bị kích thích, tốt hơn hết bạn không nên uống cà phê vào buổi chiều, đến tối bạn sẽ dễ ngủ hơn.

Thứ ba: Không nên tập thể dục hoặc vận động mạnh sát giờ đi ngủ. Mặc dù tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, nhưng các bác sĩ khuyên mọi người không nên tập thể dục hay đi bộ vào buổi tối, nhất là gần giờ đi ngủ. Bởi vào buổi tối, sau một ngày lao động mệt mỏi, các cơ quan nội tạng cần được nghỉ ngơi. Nếu bạn đi bộ, vận động tức là đánh thức lại cơ thể và như vậy sẽ gây ra mất ngủ. Vấn đề này đã được khuyến cáo từ lâu nhưng nhiều người vẫn mắc phải. Hãy nhớ rằng, tập trước khi leo lên giường ngủ là điều tồi tệ nhất. Nếu muốn tập thể dục, nên tập vào buổi sáng, hoặc đi bộ vào buổi tối nhưng phải cách giờ đi ngủ 2 tiếng.

Thứ tư: Không nên lo lắng về giấc ngủ trước lúc đi ngủ. Thay vì tạo cho cơ thể sự thoải mái để đi vào giấc ngủ thì bạn lại bắt mình phải đi ngủ bằng mọi cách, cuối cùng rơi vào trạng thái lo lắng trường kỳ. Đây gọi là chứng mất ngủ tâm sinh lý. Thực tế, nếu đang lo lắng về việc ngủ, bạn sẽ căng thẳng hơn. Cảm giác không yên ổn này làm bạn không thể chợp mắt được. Hiểu được vấn đề này sẽ khiến bạn loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng mất ngủ của mình, từ đó tìm cách cải thiện vấn đề gặp phải.

Thứ năm: Không nên để giường ngủ ở nơi nhiều ánh sáng, ồn ào. Ánh sáng và âm thanh ồn ào sẽ khiến bạn phân tâm, khó đi vào giấc ngủ, Do đó để có giấc ngủ sâu, bạn hãy tắt những thiết bị điện tử đó và che các nguồn sáng chiếu vào phòng trước khi đặt lưng xuống giường nhé.

Hoàng Quân (tổng hợp)

Theo Đời sống
back to top