Cách thức nào để nuôi sống thế giới tới năm 2050?

(khoahocdoisong.vn) - Trong báo cáo “Cách thức để nuôi sống thế giới tới năm 2050”, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo rằng, để đủ lương thực cho dân số toàn cầu vào năm 2050, tổng sản lượng thực phẩm cần có sẽ phải tăng thêm 70% so với hiện tại. 

Ước tính đến năm 2050, sẽ có hơn 9 tỷ người trên Trái Đất. Trong báo cáo “Cách thức để nuôi sống thế giới tới năm 2050”, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo rằng, để đủ lương thực cho dân số toàn cầu vào năm 2050, tổng sản lượng thực phẩm cần có sẽ phải tăng thêm 70% so với hiện tại. 

Thực tế là, để tăng sản lượng lương thực của toàn thế giới lên 70%, thì sản lượng canh tác được tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước tại Nam Á và Đông Nam Á sẽ cần phải tăng gần gấp đôi. Và để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, 80% mức tăng cần thiết sẽ phải tạo ra từ tăng năng suất và cường độ canh tác dày hơn. Chỉ 20% đến từ việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp. 

Quá trình số hoá nông nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ đã thúc đẩy năng lực của nông dân. Nhiều trong số đó – cùng với thực hành phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nông nghiệp không cày xới, các hoạt chất sinh học, hóa chất xanh và thực hành canh tác có trách nhiệm - đang cho phép nông dân không chỉ tăng năng suất mà còn bảo vệ đa dạng sinh học và các vùng đất tự nhiên.

Những đổi mới về khoa học thực vật cho phép nông dân sản xuất thực phẩm an toàn và bổ dưỡng hơn đồng thời hạn chế bớt ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) đã được phát triển với các đặc tính cải tiến như tăng năng suất, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và/hoặc cải thiện hàm lượng dinh dưỡng hay cho phép hấp thụ carbon trong đất thông qua các hoạt động như canh tác không cày xới.

Một công cụ khoa học thực vật quan trọng khác giúp chúng ta giải quyết những thách thức toàn cầu đang tồn tại như mất an ninh lương thực, tác động môi trường và biến đổi khí hậu là việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Nếu không có công cụ BVTV, 40% sản lượng lúa và ngô thu hoạch toàn cầu có thể bị mất hằng năm và tổn thất đối với trái cây và rau quả có thể lên tới 50 - 90%. Khi được sử dụng đúng cách, thuốc BVTV cũng giúp bảo tồn môi trường. Chúng cho phép nông dân sản xuất nhiều cây trồng hơn trên một đơn vị diện tích, do đó giảm nạn phá rừng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế xói mòn đất. Chúng rất quan trọng để kiểm soát các loài xâm lấn và cỏ dại độc hại, đồng thời giúp nông dân sử dụng nước hiệu quả hơn bằng cách giảm khả năng hút ẩm của cỏ dại.

CropLife châu Á đặc biệt nhấn mạnh, vai trò của các công cụ và công nghệ sản xuất thực phẩm tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn tốt môi trường sống xung quanh cần phải được hỗ trợ bằng các chính sách phù hợp để đảm bảo mang lại hiệu quả nhiều nhất cho nông dân.

Lê Phạm (Điều phối viên CropLife tại Việt Nam)

Theo Lê Phạm
back to top