Cách sơ cứu bỏng đường hô hấp do hỏa hoạn

Nếu nạn nhân không còn tự thở, tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo và bóp tim ngoài lồng ngực để cấp cứu bệnh nhân bỏng đường hô hấp.
Bỏng đường hô hấp.

Các nạn nhân được cấp cứu ở bệnh viện trong vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza (TPHCM).

Trong một vụ hỏa hoạn, khi đám cháy xảy ra thì nguyên nhân bỏng đường hô hấp thường là do hít phải khói và khí độc. Hít phải khói phổ biến nhất xảy ra khi nạn nhân bị mắc kẹt bên trong một đám cháy, ngôi nhà, tòa nhà văn phòng bị hỏa hạn.

Các hóa chất độc hại trong khói rất đa dạng, và là sản phẩm của quá trình đốt cháy các chất khác nhau như cao su, than đá, nhựa, hoặc hệ thống dây điện… Cyanua (CN) là sản phẩm việc đốt cháy sợi len, lụa. Khi khói và những khí độc trên xâm nhập vào đường hô hấp, dẫn tới đường hô hấp bị tổn thương, phù nề, có thể dẫn tới suy hô hấp và đe dọa trực tiếp tính mạng nạn nhân.

Triệu chứng đặc trưng của bỏng đường hô hấp do khói là dấu hiệu phù nề trên đường thở dẫn tới suy hô hấp, và kèm theo các triệu chứng của nhiễm độc Carbon monoxide (CO). Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng từ 12 đến 24 giờ sau khi có tổn thương bỏng.

Thông thường trong một vụ hỏa hoạn, khi có tổn thương bỏng đường hô hấp thường kết hợp với các tổn thương bỏng trên cơ thể làm cho bệnh cảnh lâm sàng của người bị nạn trở nên phức tạp và trầm trọng hơn. Tại Mỹ, tỷ lệ gặp bỏng đường hô hấp ở những người bị bỏng có diện tích bỏng trên 5% diện tích cơ thể là dưới 10%, nhưng với những nạn nhân có diện tích bỏng trên 85% diện tích cơ thể thì tỷ lệ có bỏng đường hô hấp là trên 80%.

Triệu chứng lâm sàng trong tổn thương bỏng đường hô hấp

Biểu hiện thường gặp nạn nhân xuất hiện đau tức ngực, khàn giọng, khó thở, buồn nôn và nôn, nhức đầu, có thể quan sát thấy bồ hóng ở miệng, tăng tiết đờm dãi, nạn nhân kích thích vật vã, cũng có thể có ngất xỉu… Có thể thấy các vết phổng do bỏng ở ngay trong khoang miệng, tình trạng khàn giọng và tiếng thở khò khè cho thấy các dấu hiệu của phù nề thanh quản.

Các chất khí có khả năng hòa tan nhiều trong nước như amoniac, hydro clorua và lưu huỳnh đioxit, phản ứng với nước có trong màng nhầy của niêm mạc đường hô hấp và tạo nên những phản ứng kích ứng, viêm loét và phù nề của bề mặt niêm mạc.

Các triệu chứng phù nề đường hô hấp trên có thể xuất hiện nhanh chóng và đặc biệt là phù nề vùng hầu họng và thanh quản, là nguyên nhân trực tiếp đe dọa tính mạng trong vòng 24 -48 giờ đầu. Vì vậy, nhận biết sớm tổn thương và chủ động đặt nội khí quản sớm trước khi có triệu chứng phù nề làm cản trở lưu thông đường hô hấp trên là kỹ thuật quan trọng để cứu sống bệnh nhân. Đôi khi những tổn thương bỏng ở vùng đầu, mặt, cổ làm cho phù nề và biến dạng giải phẫu, đè ép thanh quản dẫn tới những khó khăn cho việc đặt nội khí quản.

Quá trình đốt cháy sinh ra nhiều hóa chất độc hại khác nhau gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp và dẫn đến một phản ứng viêm dữ dội. Triệu chứng tổn thương nhu mô phổi xuất hiện muộn hơn so với triệu chứng phù nề đường hô hấp trên, có thể xuất hiện muộn hơn ở ngày thứ 3-4 sau bỏng.

Tổn thương niêm mạc đường hô hấp dưới, tổn thương phế nang do những hạt bụi nhỏ có kích thước dưới 5µm và các chất hữu cơ, các chất khí hòa tan nhiều trong lipid tác động với vai trò như là những chất gây kích ứng và đẫn đến phản ứng viêm, xung huyết, dẫn đến tình trạng viêm phổi, suy hô hấp cũng thường xuất hiện sau khoảng 3 đến 10 ngày sau bỏng.

Tổn thương và nhiễm độc khi bị bỏng hô hấp

Nhiễm độc Carbon monoxite (CO)

Khi có bất cứ vụ hỏa hoạn nào xảy ra, những nạn nhân của vụ hỏa hoạn đều có nguy cơ nhiễm độc CO. Do CO là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ, than, nhựa tổng hợp… trong điều kiện thiếu ôxy.

Nhiễm độc CO cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ hỏa hoạn (chiếm 50% các trường hợp tử vong có liên quan đến hỏa hoạn).

Sau khi CO xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp sẽ được hấp thu vào máu và ức chế canh tranh với oxy trong việc gắn với Hemoglobine của Hồng cầu để tạo thành CarboxyHemoglobine (HbCO). Vì ái tính của CO mạnh gấp hơn 200 lần so với Oxy về khả năng gắn kết với Hemoglobine, do đó hồng cầu sẽ giảm khả năng vận chuyển oxy (oxy được vân chuyển đến các mô, tổ chức và cơ quan trong cơ thể nhờ gắn kết với Hemoglobine của hồng cầu).

Khi cơ thể thiếu oxy sẽ gây ra hàng loạt những rối loạn, nhiễm toan chuyển hóa. Nhiễm độc CO cấp tính biểu hiện nạn nhân khó thở, lơ mơ, rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê và có thể tử vong trong những trường hợp nhiễm độc nặng. Tác động này cộng hưởng với tình trạng viêm phù nề đường hô hấp, suy hô hấp tạo nên bệnh cảnh lâm sàng nặng nề của bỏng đường hô hấp do hỏa hoạn.

Nhiễm độc Cyanua (CN)

Khí Hydrogen Cyanua (HCN) sinh ra trong các vụ hỏa hoạn do đốt cháy các sản phẩm có nguồn gốc từ polyurethane (một loại nhựa tổng hợp): acrylonitrile (sợi tổng hợp acrylic) và nilon, vải quần áo… Hydrogen Cyanua cũng thường có mặt trong khói, và độc tính của CN lúc này đồng vận với CO.

HCN có thể gây kích thích đường hô hấp, độc tính của HCN được sinh ra khi HCN xâm nhập vào trong tế bào và phá vỡ quá trình oxy hóa và sản sinh năng lượng bên trong tế bào do ức chế enzym cytocrome oxidase, làm cho tế bào thiếu oxy và chuyển sang trạng thái chuyến hóa yếm khí dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa.

Biểu hiện lâm sàng nhiễm độc HCN là triệu chứng của tình trạng thiếu oxy, hệ thần kinh trung ương và tim mạch là hai cơ quan nhạy cảm nhất với tình trạng này, biểu hiện đau đầu, lơ mơ, rối loạn ý thức, mất phương hướng, nhịp nhanh, loạn nhịp tim, cao huyết áp…

Sơ cứu nạn nhân

– Ngay lập tức đưa nạn nhân ra khỏi khu vực hỏa hoạn, đảm bảo nạn nhân ở khu vực thoáng khí, an toàn cho cả người sơ cứu và nạn nhân.

– Nếu nạn nhân không còn tự thở, tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo và bóp tim ngoài lồng ngực.

– Nếu nạn nhân còn tỉnh, đảm bảo đường hô hấp được lưu thông, lấy bỏ dị vật trong khoang miệng (nếu có). Không để nạn nhân nằm ngửa nếu người gặp nạn có nôn. Nghiêng đầu sang một bên để tránh chất nôn sặc vào đường hô hấp.

– Kiểm tra các vị trí bỏng ở vùng đầu, mặt, cổ và chi thể, làm mát các tổn thương bỏng trong vòng 20 phút bằng cách dùng nước sạch chảy trên vết thương hoặc ngâm vị trí tổn thương trong nước.

– Nếu nạn nhân có các triệu chứng khó thở, nhịp thở ngắt quãng, nói khàn, hoặc rối loạn ý thức cần gọi y tế hỗ trợ ngay và đưa nạn nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Gọi cấp cứu y tế để được hỗ trợ, số điện thoại 115./.

Quang Thanh
Theo Suckhoedoisong.vn

Theo Đời sống
back to top