Cách nhận biết ung thư ở trẻ em

Mỗi loại ung thư ở trẻ em có các dấu hiệu và biểu hiên riêng tùy vào dạng bệnh và vị trí trong cơ thể, nhưng 85% trẻ ung thư có dấu hiệu gợi ý. Vì vậy, nhận biết sớm các dấu hiệu chung và dấu hiệu đặc thù sẽ giúp trẻ điều trị có kết quả.

Ảnh minh họa.

Các cấu hiệu chung

Trên thế giới mỗi năm có thêm 160.000 trẻ bị ung thư và khoảng 90.000 trẻ chết do ung thư. Dù ở các nước phát triển 3/4 số trẻ được chữa khỏi và tỷ lệ sống thêm không ngừng được nâng cao nhờ phát hiện sớm nhưng ung thư vẫn là nguyên nhân gây thứ 2 ở trẻ em dưới 14 tuổi.

Trong khi đó, ở Việt Nam và các nước đang phát triển hơn 50% trẻ ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, không được điều trị đầy đủ, kết quả sống thêm thấp.

Vì vậy, cha mẹ nếu thấy con có các dấu hiệu: Khối u hoặc sưng nề bất thường ở ổ bụng; sốt kéo dài không lý giải được; mệt mỏi, xanh xao, sụt cân nhanh; dễ xuất hiện vết bầm tím và chảy máu không lý giải được; đau kéo dài không lý giải được, đau đầu kèm nôn; thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng hoặc thay đổi đột ngột hành vi; đầu bị sưng nề và xuất hiện vết sáng trắng ở mắt… trong vài ngày hoặc vài tuần, cần phải đưa đi khám bệnh ngay để phát hiện các triệu chứng này và phát hiện bệnh.

Triệu chứng của một số bệnh ung thư trẻ em

Bệnh bạch cầu cấp: Thường gặp ở trẻ 2 – 5 tuổi. Biểu hiện: Sốt thất thường dùng kháng sinh không đỡ, mệtmoir, kém chơi, da xanh dần, muộn hơn có thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng, gan to, lách to, hạch to.

Bệnh u lympho ác tính không Hodgkin: Thường gặp ở tuổi từ 7 – 11. Biểu hiện: Nổi hạch không đau ở ngoại vi; có thể gan to, lách to; hội chứng toàn thân: sốt, sút cân, ngứa ra mồ hôi ban đêm.

Bệnh Hodgkin: Hạch thường có ở vùng cổ thấp không đau (chiếm 60 – 90% các trường hợp); gan to, lách to ít gặp; có nhiều hạch ở vùng ngoại vi.

Các khối u hệ thống thần kinh: Đau đầu; giảm hoặc mất thị lực; giãn nở xương sọ ở trẻ nhỏ; nôn ói; thay đổi nhân cách, buồn ngủ, dễ kích thích.

U nguyên bào thần kinh: Dấu hiệu gợi ý theo vị trí u: đau, đầy bụng, khó chịu, mệt mỏi; Đái rắt hoặc rối loạn đường niệu; Hẹp đồng tử; sụp mi, giảm tiết mồ hôi.

U nguyên bào võng mạc: Hay gặp ở độ tuổi dưới 3. Biểu hiện: điểm trắng ở mắt thấy khi mắt chuyển động, lác mắt.

U nguyên bào thận: Thường gặp ở trẻn < 5 tuổi với biểu hiện: đái ra máu, cao huyết áp, xuất hiện u ổ bụng.

U xương: Thường gặp trong độ tuổi 12 – 16 với biểu hiện: đau nhức trong xương, nổi gồ trên mặt da bờ không rõ, không đau.

Sacôm cơ vân: Thường gặp dưới 6 tuổi và tuổi dậy thì. Biểu hiện theo vị trí. U hố mắt; lồi mắt, phù kết mạc hoặc có u mí mắt, kết mạc. U vùng mũi họng gây giọng mũi, sổ mũi, viêm tắc xoang. Khối rắn ở vùng cổ.

Kết quả điều trị

Tùy theo từng loại bệnh sẽ có phương pháp điều trị kết hợp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Với biện pháp điều trị tích cực, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm như sau: Bệnh bạch cầu lymphô cấp 83%; Bệnh u lympho ác tính không Hodgkin 81,2%; Bệnh Hodgkin 95,9%; U hệ thống thần kinh trung ương 65%; U nguyên bào thần kinh 61,3%; U nguyên bào võng mạc 95,3%; U nguyên bào thận 83,6%; Ung thư xương 60,4%; Sacôm cơ vân 67,4%.

ThS Trần Anh

(Bệnh viện K)

Theo Đời sống
back to top