Cách nấu cháo thuốc phòng chữa táo bón

(khoahocdoisong.vn) - Táo bón có thể gây ra các biến chứng khá trầm trọng như trĩ, hậu môn, sa trực tràng và là cơ hội phát triển nhiều bệnh nguy hiểm. Để phòng chống bệnh này hãy nấu cháo thuốc để nhuận tràng thông tiện.

Gây gia tăng huyết áp và ung thư

LY Hoàng Duy Tân, Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai cho biết, chứng táo bón là một trong các triệu chứng của bệnh đường ruột, bệnh trĩ, bệnh dạ dày, nhưng thường là do rối loạn chức năng ruột.

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, muốn đi mà không đi được, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường. Cố chịu đựng hoặc dùng thuốc xổ đều không phải là lựa chọn thông minh dành cho người bị táo bón.

Dùng thuốc xổ liên tục sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương niêm mạc và gây nguy hiểm cho tim vì nó làm mất đi hai chất cần thiết cho hoạt động của tim là kali và chất khoáng. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây táo bón, nếu là do ăn uống thì cần điều chỉnh chế độ ăn sao cho thích hợp.

Khi bị táo bón do phải rặn mạnh mỗi khi đi đại tiện gây đau nên bệnh nhân ngại đi, do đó lại càng táo bón hơn, tạo thành một cái vòng luẩn quẩn.

Đặc biệt, khi cố rặn cũng làm tăng áp lực máu (biểu hiện mặt đỏ), nên rất nguy hiểm cho người cao huyết áp, người bị bệnh tim mạch (dễ bị đột quỵ khi đại tiện). Hơn nữa, táo bón đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng bệnh béo phì, cao huyết áp, bệnh gan ở người trưởng thành.

Khi bị táo bón, các chất độc tích lũy trong khung ruột sẽ là cơ hội để phát triển nhiều bệnh khác: nhức đầu, mệt mỏi, dị ứng… nặng hơn là viêm đại tràng mạn tính, trĩ và thậm chí là ung thư ruột già.

Chữa chứng táo bón là một công việc khó khăn, thành công phụ thuộc nhiều vào sự xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, nhưng cơ bản là sự điều chỉnh chế độ ăn.

Món ăn cần phù hợp thể bệnh

ThS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, khi bị táo bón người ta hay mách nhau sử dụng đồ ăn thức uống có tính “mát” và “nhuận” như khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, thanh long…

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, theo quan điểm của y học cổ truyền, nguyên nhân táo bón do nhiều thể bệnh khác nhau nên việc trị liệu phải tuân thủ triệt để nguyên tắc “biện chứng luận trị” của y học cổ truyền, nghĩa là phải căn cứ vào chứng trạng cụ thể để làm món ăn cho phù hợp.

Cháo Mộc hương trị thể bệnh khí trệ:

Mộc hương 5g, bình lang 5g, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ. Sắc kỹ mộc hương và bình lang lấy nước bỏ bã rồi cho gạo tẻ vào ninh thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Thuận khí, hành trệ thông tiện, tốt cho bệnh nhân bị táo bón với thể bệnh khí trệ. Biểu hiện đại tiện khó khăn, ợ hơi liên tục, ngực bụng đầy chướng, ấm ách khó chịu, ăn kém chậm tiêu, có lúc đau bụng, miệng khô họng khát, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạnh huyền.

Cháo Hạt dẻ trị thể bệnh khí hư:

Hỏa ma nhân 10g, vừng 5g, bột hạt dẻ 50g, bột ngô 50g. Hỏa ma nhân và vừng sao thơm tán bột, đem nấu với bột hạt dẻ và bột ngô thành dạng cháo loãng, chế thêm một chút đường đỏ, dùng làm đồ điểm tâm.

Công dụng: bổ khí, nhuận tràng, thông tiện, dùng thích hợp cho người bệnh táo bón thể khí hư. Biểu hiện đại tiện khó khăn mặc dù phân không khô cứng, toàn trạng mệt mỏi hay có cảm giác khó thở, dễ vã mồ hôi, ăn kém, chậm tiêu, sắc mặt trắng nhợt, đại tiện lỏng hoặc nát, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hư nhược.

Cháo Tùng tử nhân trị thể bệnh huyết hư:

Tùng tử nhân 20g, gạo tẻ 60g. Đem tùng tử nhân tán vụn rồi ninh với gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: dưỡng âm nhuận tràng, tốt cho người thể bệnh huyết hư. Biểu hiện: đại tiện táo, sắc mặt nhợt nhạt, hay hoa mắt, chóng mặt, trí nhớ giảm sút, dễ hồi hộp trống ngực, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược, thường trong tình trạng thiếu máu.

Cháo hạnh nhân trị thể bệnh dương hư:

Hạnh nhân 15g, đương quy 15g, phổi lợn 250g. Phổi lợn rửa sạch thái miếng, trần qua nước sôi rồi đem nấu với hạnh nhân và đương quy cho chín, chế đủ gia vị, ăn nóng.

Công dụng: ôn thông khai bí, tốt cho người thuộc thể bệnh dương hư. Biểu hiện: Đại tiện khó khăn, sắc mặt nhợt nhạt, chân tay lạnh, sợ lạnh, thích ấm, hay đau bụng và lưng do lạnh, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, có thể có liệt dương di tinh, tiểu tiện trong dài, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng ướt, mạch trầm trì.

Theo Đời sống
back to top